Quan niệm của Mác - Ăng-ghen về văn học nghệ thuật, vận dụng trong hoàn cảnh hiện nay

Bài viết nhỏ này trình bày một vài ý về những đóng góp của C.Mác, Ăng-ghen và đề xuất một vài luận điểm.

1- Trước hết Mác - Ăng-ghen xem văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc chịu sự chi phối của cơ sở kinh tế, của các thành phần khác trong kiến trúc thượng tầng, đặc biệt là về chính trị.

Mác, Ăng-ghen phê phán những quan niệm xem nguồn gốc của văn học nghệ thuật bắt nguồn từ trò chơi, từ tôn giáo và khẳng định văn học nghệ thuật có tác dụng với đời sống xã hội và người nghệ sĩ không thể đứng trung lập, tách ra khỏi mọi quan hệ xã hội.

Luận điểm của Mác, Ăng-ghen về tính giai cấp chi phối nhiều đến việc phân tích các tác phẩm nghệ thuật. Nhà văn không thể khác là một thành viên của một giai cấp, nói lên tiếng nói của giai cấp. Mác - Ăng-ghen xác định bản chất giai cấp của một số nhà văn tư sản, tiểu tư sản, sự phân hóa về quan điểm giai cấp của những trường hợp như Ban-dắc. Quan điểm giai cấp giúp cho Ăng-ghen phân tích một cách thuyết phục trường hợp của Ban-dắc mà nhiều nhà nghiên cứu lúng túng không tìm ra nguyên nhân. Sau này chính Lê-nin đã vận dụng quan điểm giai cấp để phân tích sáng tỏ trường hợp của L.Tôn-xtôi trong văn học Nga. Thời kỳ hoạt động của Mác - Ăng-ghen đã có sự phân hóa khá rõ rệt của các nhà văn về quan điểm giai cấp. Vận dụng quan điểm giai cấp vào phân tích văn nghệ là khó, dễ rơi vào thành phần luận hoặc đồng nhất điển hình xã hội về giai cấp với nhân vật. Vả lại tính giai cấp ở nhân vật cũng không ổn định và dễ pha trộn. Như cuộc trao đổi về tính giai cấp của Thúy Kiều của tạp chí Ðại học Sư phạm (năm 1956) đã không thu được kết quả.

- Về tính dân tộc: Mác - Ăng-ghen khẳng định quan điểm các dân tộc phải được bình đẳng, có quyền bình đẳng và quyền ấy phải được tôn trọng. Mác - Ăng-ghen phân tích mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giai cấp tư sản thường nắm quyền đại diện cho dân tộc và đã đến lúc giai cấp vô sản phải thể hiện vị thế quan trọng của mình cho quyền đại diện, cho dân tộc.

- Về tính nhân dân: Quan điểm duy vật lịch sử khẳng định vai trò của nhân dân, chủ nhân của lịch sử. Ngay trong tác phẩm đầu "Gia đình thần thánh", Mác - Ăng-ghen đã phê phán nhóm Hê-ghen trẻ xem quần chúng là lực lượng ỳ, thiếu ý thức tự phê phán và chính họ là đối tượng của sự phê phán. Từ tác phẩm này cho đến các công trình tiếp theo, vai trò của nhân dân luôn được khẳng định trong quan điểm chung cũng như trong tác phẩm văn nghệ. Các Mác cũng nêu một luận điểm nổi tiếng khi cho rằng "trình độ của nhân dân quyết định sự phát triển của báo chí". Dân trí phát triển đến đâu thì trình độ báo chí phát triển đến đấy. "Rõ ràng là ở đâu báo chí còn non trẻ thì ở đó tinh thần nhân dân cũng non trẻ"(*). Nhận xét này khác biệt với những ý kiến xem trình độ kỹ thuật là yếu tố chính quyết định sự phát triển báo chí.

- Về tính hiện thực: Xác định văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức phản ánh và góp phần cải tạo xã hội, Mác - Ăng-ghen đặc biệt chú trọng đến hiện thực của tác phẩm văn nghệ. Những tác phẩm phản ánh cuộc sống của xã hội tư sản với thái độ trung thực, với tinh thần phê phán cho dù không bộc lộ trực tiếp khuynh hướng đều được khích lệ. Mác ca ngợi các nhà tiểu thuyết hiện thực Anh như Ðích-ken, Thác-cơ-rây, S.Brôn-ty và cho rằng tác phẩm của họ có giá trị nhận thức và phản ánh cuộc sống bằng tất cả các nhà chính trị chuyên nghiệp, nhà chính luận và luân lý học gộp lại. Ăng-ghen đặc biệt ca ngợi Ban-dắc và cũng cho rằng bộ "Tấn trò đời" phản ánh cuộc sống trung thực bằng nhiều nhà "sử học, kinh tế học, các nhà thống kê của thời kỳ này gộp lại". Về phản ánh hiện thực, Mác - Ăng-ghen yêu cầu phải miêu tả được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Ðiều mà các nhà kinh điển mong ước là sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực trong tác phẩm văn học.

- Về đặc trưng riêng của văn học nghệ thuật: Khuynh hướng chung của thời kỳ đầu tư bản chủ nghĩa đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất, công nghệ và thường xem các hoạt động ý thức, hoạt động tinh thần cũng mang đặc điểm của một quá trình sản xuất. Mặc dù nhấn mạnh tính giai cấp, tính hiện thực của văn học nghệ thuật nhưng Mác - Ăng-ghen đã sớm phê phán thái độ thực dụng đối với văn nghệ. Nhà văn là người hoạt động tinh thần, có lý tưởng và mục đích, không thể bị ràng buộc hoàn toàn vào một yêu cầu xã hội mà mất đi tính tự chủ. Các tác giả còn nhấn mạnh đến cái đẹp trong nghệ thuật "con người sáng tác theo những quy luật của cái đẹp".

2 - Quan niệm của Mác - Ăng-ghen về vấn đề con người trong xã hội

Con người là vấn đề quan trọng và là trung tâm của nhiều cuộc trao đổi. Khi khẳng định vai trò của hoàn cảnh xã hội theo quan điểm duy vật lịch sử Mác - Ăng-ghen đã mở ra những nhận thức mới để tìm hiểu về con người. Trong luận cương về Phơ-bách, Mác khẳng định: "Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội". Ðây là một nhận định hết sức quan trọng, con người là sản phẩm của xã hội. Khác với những quan điểm tìm hiểu nguồn gốc, đặc tính của con người từ những nguyên nhân siêu nhiên, tôn giáo, bản năng. Con người được hình thành do những tác động khác nhau của điều kiện xã hội. Con người trong tác phẩm văn học, văn nghệ trước hết là con người xã hội. Yếu tố xã hội được hình thành trong nhiều môi trường gia đình, nhà trường, xã hội, truyền thống quá khứ và hoàn cảnh hiện tại. Chính những cơ sở nhận thức đó góp phần tìm hiểu đánh giá tác phẩm văn nghệ. Tuy nhiên, trong luận điểm này của Mác cũng cần tìm hiểu rõ thêm, một là ngoài con người xã hội, con người còn mang đặc điểm của con người tự nhiên, con người tâm linh và cá tính của nhân vật. C.Mác đã giới hạn: "Trong tính hiện thực của nó, con người là sự tổng hòa những quan hệ xã hội", như thế ngoài tính hiện thực con người còn được hiểu ở nhiều bình diện khác mà Mác chưa có điều kiện nói đến. Suy cho cùng, con người là một sản phẩm của tự nhiên, mang đặc điểm của tự nhiên, trong quy luật tồn tại, sinh hoạt, nảy sinh và kết thúc. Yếu tố tự nhiên nên được nhận thức như thế nào để có khả năng bù đắp, làm phong phú hơn con người xã hội?

Trong sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội thì quan hệ nào cần được nhấn mạnh? Phải đặc biệt chú ý đến lực lượng xã hội tiên tiến nhất, đến giá trị nhân văn sâu đậm trong nhân dân và bản sắc của dân tộc. Thông thường, trong cách khai thác một thời về luận điểm này của Mác, người ta thường chú ý nhiều đến con người giai cấp, thậm chí lấn át các yếu tố khác. Cần phải chú ý đến những yếu tố quan trọng khác của con người xã hội như tính dân tộc, một phẩm chất chi phối nhiều đến đặc điểm của một cá nhân. Ngoài ra, giữa những yếu tố xã hội và nhân tố cá nhân có những mối liên hệ gì? Ðối với một con người không phải tất cả những phẩm chất, những đặc tính đều do điều kiện xã hội sinh ra. Tại sao trong cùng một hoàn cảnh xã hội lại có thể có những tính cách khác nhau? Vai trò của cá tính là hết sức quan trọng. Suy cho cùng, cá tính ngoài những yếu tố riêng cũng có những nguyên nhân xã hội chi phối.

Luận điểm về con người của Mác - Ăng-ghen dựa trên cơ sở của duy vật lịch sử, con người do hoàn cảnh xã hội tạo nên. Tạo điều kiện cho xã hội tốt đẹp thì con người sản phẩm của hoàn cảnh xã hội cũng tốt đẹp. Luận điểm của Mác - Ăng-ghen sâu sắc nhưng cần có sự tiếp nhận đúng đắn, gợi mở thêm để con người được phong phú hơn, đặc biệt là trong những tác phẩm văn nghệ.

Mác - Ăng-ghen để lại một gia tài lớn về tri thức, bao trùm nhiều ngành khoa học xã hội và tự nhiên. Ở góc độ về văn học nghệ thuật, những ý kiến của Mác - Ăng-ghen, đặt nền móng cho những luận điểm cơ bản về văn học nghệ thuật nhưng cũng cần tiếp nhận một cách đúng đắn, gợi mở thêm và có thể góp phần làm phong phú hơn ý kiến của các nhà kinh điển trong thời đại hôm nay.

(*) Các Mác, Ph. Ăng-ghen toàn tập, tập 1, tr. 238