Quản lý thu, chủ động điều hành ngân sách nhà nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1372/CĐ-TTg gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong tháng 12/2023 và những tháng đầu năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Giao dịch tại Cục Thuế Hải Phòng. (Ảnh: Quang Dũng)
Giao dịch tại Cục Thuế Hải Phòng. (Ảnh: Quang Dũng)

Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp, người dân phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với nhân dân, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, tích cực nộp thuế theo quy định và giữ vai trò giám sát việc thực hiện Công điện. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được phân công trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai Công điện này.

Theo đánh giá, công tác thu ngân sách nhà nước còn gặp khó khăn, thách thức, nhiều ngành, địa phương tiến độ thu đạt thấp, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương. Đến nay, vẫn còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao năm 2023.

Bên cạnh đó, theo các kết quả giám sát và qua quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm cho thấy, vẫn còn những hạn chế, lãng phí trong chi ngân sách, sử dụng tài sản công, tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài,… ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách,...

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Các đơn vị chức năng phấn đấu tăng thu hơn nữa ngân sách; có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu. Tăng cường phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản, buôn lậu xăng dầu qua đường biển và qua biên giới,...

Tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, bảo đảm phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách và cấp dưới theo đúng thời hạn và quy định; giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán năm 2023, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo Hội đồng nhân dân giải pháp xử lý, chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương để cân đối ngân sách địa phương; cân đối các nguồn lực tại chỗ để bù đắp số giảm thu. Nếu vẫn không bù đắp được, phải sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi; trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương.

Bộ trưởng Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong phạm vi cho phép.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách nhà nước và giảm bội chi; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường trước, trong và sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; kiểm soát giá cả trong dịp Tết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá,…

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền theo quy định.