Quản lý, phát triển thoát nước và xử lý nước thải

Phát triển ngành nước bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhằm bảo đảm nhu cầu cơ bản thiết yếu cho người dân, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường nước, ngập úng do tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, tác động biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các đô thị lớn. Điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của các đô thị, khu dân cư.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (Hà Nội).
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (Hà Nội).

Tính đến tháng 9/2024, cả nước có 909 đô thị, bao gồm hai đô thị loại đặc biệt, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,6%. Với tốc độ tăng dân số và đô thị hóa nhanh như hiện nay, hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hạ tầng thoát nước (nước mưa, nước thải) và xử lý nước thải, chưa phát triển tương ứng, dẫn đến tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động.

Mất cân đối trong cấp, thoát nước

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 750 nhà máy cấp nước sinh hoạt tập trung tại đô thị với tổng công suất khoảng 13,2 triệu m3/ngày, trong khi chỉ có 82 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang vận hành tại 50 đô thị với tổng công suất thiết kế gần 1,8 triệu m3/ngày. Về nguyên tắc, khối lượng đầu vào cấp nước sinh hoạt phải cân bằng với số lượng nước thải đầu ra đã qua xử lý nhằm hướng tới phát triển bền vững. Điều này cho thấy nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải ngày càng cấp thiết.

Ngoài ra, tại một số đô thị, các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã được đầu tư nhưng hoạt động không đạt công suất thiết kế do tỷ lệ đấu nối từ hộ thoát nước (hộ gia đình) còn thấp, hoặc mạng lưới thu gom chưa được đầu tư đồng bộ (trung bình chỉ đạt hơn 50% công suất thiết kế); điều này cần có sự tuyên truyền, truyền thông của cơ quan quản lý và sự quan tâm của người dân trong việc đấu nối thoát nước để làm giảm tác động ô nhiễm môi trường từ nước thải.

Báo cáo của UNICEF cho thấy, từ nay đến năm 2030, nhu cầu đầu tư cho cấp thoát nước của Việt Nam khoảng 8,8 tỷ USD, trong đó hơn 68% dành cho hoạt động thu gom và xử lý nước thải đô thị, khoảng 13% cho cấp nước đô thị, còn lại dành cho cấp nước và nước thải nông thôn. Những con số nêu trên khẳng định tầm quan trọng của dịch vụ thoát nước đối với sự phát triển bền vững, đòi hỏi có các chính sách phù hợp để huy động các nguồn vốn đầu tư, vận hành hệ thống thoát nước đô thị, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là chính sách và sự đồng thuận của xã hội thông qua giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (hay gọi tắt là giá dịch vụ thoát nước).

Hiện nay, tồn tại song song hai văn bản pháp quy liên quan đến dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, bao gồm Nghị định số 53/2020/NĐ-CP về quy định Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải. Theo quy định tại Nghị định số 53, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 80, các địa phương (hoặc khu đô thị) triển khai thực hiện thu giá dịch vụ thoát nước thì không thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Trên thực tế, các địa phương còn chậm xây dựng và ban hành giá dịch vụ thoát nước (24/63 địa phương) với mức giá khoảng từ 1.000 đến 5.600 đồng/m3. Nhiều địa phương chủ yếu vẫn áp dụng duy nhất phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo Nghị định số 53 với mức phí từ 600 đến 1.000 đồng/m3, bằng 10% giá nước sạch. Mức giá này còn thấp, chỉ đáp ứng một phần chi phí quản lý, vận hành và bảo trì công trình, chưa kể chi phí thu hồi vốn đầu tư, chưa tiếp cận nguyên tắc người gây ô nhiễm có trách nhiệm trả tiền.

Về nguồn vốn đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, chưa tương xứng nhu cầu thực tế. Giá dịch vụ thoát nước thấp chưa tạo động lực để huy động tư nhân đầu tư vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Mạng lưới thoát nước và nhà máy xử lý nước thải đầu tư không đồng bộ cho nên không khai thác hết công suất thiết kế nhà máy xử lý nước thải, giảm hiệu quả đầu tư công trình.

Hiện nay, nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa huy động được nguồn lực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải do giá dịch vụ thoát nước không đủ chi phí thu hồi vốn đầu tư. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước cần có sự chung tay của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng thông qua giá dịch vụ thoát nước.

Xây dựng chính sách phù hợp và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng

Hoạt động thoát nước và xử lý nước thải được xác định là hoạt động cung cấp dịch vụ công ích. Nhà nước và chính quyền địa phương có trách nhiệm đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, vận hành và bảo trì hệ thống thoát nước; sự tham gia của cộng đồng thông qua chi trả giá dịch vụ thoát nước. Hiện nay, Bộ Xây dựng chủ trì dự thảo Luật Cấp, thoát nước; theo đó giá dịch vụ thoát nước cần được khẳng định trong luật và cần được sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng và của toàn xã hội.

Việc tồn tại song song giá dịch vụ thoát nước và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại một số đô thị là không hợp lý; Luật Cấp, thoát nước quy định giá dịch vụ thoát nước theo hướng thu đúng, thu đủ là cần thiết; Luật cũng định hướng lộ trình giá dịch vụ thoát nước từ thu đủ cho quản lý, vận hành và bảo trì hệ thống thoát nước, tiến tới thu hồi chi phí đầu tư công trình xử lý nước thải; tương ứng với giá dịch vụ thoát nước, tiến tới ngang bằng với giá nước sạch.

Việc tiếp cận giá dịch vụ thoát nước ngang bằng với giá nước sạch là nguồn thu để huy động nguồn lực tư nhân đầu tư công trình nhà máy xử lý nước thải thông qua hợp tác công tư; trong khi nguồn lực ngân sách nhà nước tập trung đầu tư mạng lưới thoát nước mưa, nước thải, từng bước khắc phục tình trạng ngập úng đô thị đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Một vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm là ngập úng đô thị, khu dân cư trước những tác động tiêu cực đến từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình đô thị hóa, các yếu tố về công nghệ, vận hành hệ thống, tổ chức bộ máy quản lý và ý thức của người dân còn hạn chế.

Dự thảo Luật Cấp, thoát nước quy định việc quản lý, tổ chức thực hiện nội dung quy hoạch thoát nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đầu tư các tuyến thoát nước chính, kết nối thoát nước khu đô thị, khu dân cư với tiêu thoát nước thủy lợi và lưu vực sông. Dự thảo Luật Cấp, thoát nước cũng quy định hạn chế san lấp hồ, ao, giải pháp tích trữ hồ điều hòa, điều chỉnh quy hoạch đô thị mới tại các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, đồng thời ban hành các giải pháp tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm ngập úng, cũng như quy định về quản lý đầu tư đối với các dự án thoát nước chống ngập...

Từ yêu cầu thực tế tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, việc ban hành Luật mới điều chỉnh về cấp, thoát nước là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về kiểm soát ô nhiễm từ nước thải và chống ngập úng, đồng thời là công cụ quan trọng giúp chính quyền các địa phương quản lý, xây dựng, phát triển hệ thống thoát nước hiệu quả, bền vững phục vụ nhu cầu thiết yếu, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.