Quản lý, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên

Ðể góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, tham mưu, chỉ đạo toàn ngành tổ chức thực hiện kịp thời nhiều giải pháp nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị tập huấn, triển khai thi hành Luật Ðất đai năm 2024 do UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. (Ảnh HỮU TRÍ)
Hội nghị tập huấn, triển khai thi hành Luật Ðất đai năm 2024 do UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. (Ảnh HỮU TRÍ)

Điểm sáng trong xây dựng thể chế

Năm 2024, khối lượng công việc về xây dựng pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường rất lớn, yêu cầu về tiến độ rất cấp bách. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo bộ, sự cố gắng, nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì; sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành, tiến độ và chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Ðất đai (tại kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng, cho phép Luật Ðất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng, kể từ ngày 1/8/2024 (tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV); Luật Ðịa chất và Khoáng sản năm 2024 (tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV).

Trong thời gian ngắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua hai nghị quyết rất khó và phức tạp về quản lý đất đai, gồm: Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Ðà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Ðây là các văn bản rất quan trọng để thể chế hóa các quan điểm của Ðảng, chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ các hạn chế, vướng mắc đối với các dự án sử dụng đất, khơi thông các điểm nghẽn, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, theo đúng tinh thần chỉ đạo về phòng, chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tại các địa phương, các cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường đã tham mưu, trình HÐND và UBND cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.

Ðến nay, 63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai năm 2024 theo thẩm quyền của địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tám quy hoạch cấp quốc gia, trong đó có những quy hoạch mang tính chất nền tảng, như: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Cùng với đó, năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nhất là thực hiện phân cấp triệt để, tối đa; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và giải quyết các vấn đề phức tạp, mang tính liên vùng, liên ngành…

Nhờ sự nỗ lực chung của toàn ngành, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của bộ tiếp tục duy trì điểm số và thứ hạng cao, đạt 87,01 trên 89,95 điểm, xếp thứ 5 trên 17 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng một bậc so với năm 2022). Trong khi đó, chỉ số cải cách hành chính lĩnh vực tài nguyên, môi trường ở các địa phương tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Ðặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BCÐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, khẩn trương báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về phương án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ bảo đảm yêu cầu, thời hạn đề ra.

Khơi thông nguồn lực, điểm nghẽn

Năm 2024, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Cụ thể, sau ba năm thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất đai quốc gia năm 2021-2025, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và của cả nước.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất cho thấy, quy hoạch sử dụng đất đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất cho việc phát triển công nghiệp là 210 nghìn ha; xây dựng kết cấu hạ tầng là hơn 1.754 nghìn ha; phát triển đô thị gần 3.000 nghìn ha đã từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị. Trong khi đó, diện tích đất chưa sử dụng đã được khai thác đưa vào sử dụng đáp ứng các mục tiêu phát triển hơn 67 nghìn ha.

Toàn ngành cũng đã chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm; triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường nước, không khí, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng việc tiếp tục hoàn thiện các quy chuẩn quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật về môi trường, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn, theo dõi, giám sát, nắm bắt đầy đủ, kịp thời diễn biến các vấn đề môi trường của các đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường công tác quan trắc môi trường và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng môi trường.

Ðồng thời, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế rác thải thay cho chôn lấp, giảm rác thải nhựa; tỷ lệ chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đều đạt chỉ tiêu đề ra.

Trong năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tích cực triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu bằng việc tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ứng phó biến đổi khí hậu, lộ trình thực hiện trung hòa các-bon theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Ðồng thời, bộ tích cực phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Ðỗ Ðức Duy, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm "Phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường là trọng tâm", bước vào năm 2025, ngành tài nguyên và môi trường quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; bảo đảm bộ máy sau sắp xếp phải thật sự tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, trọng tâm là ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành đồng bộ Luật Ðất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Ðịa chất và Khoáng sản…; bổ sung thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp để hướng tới mục tiêu Net Zero.

Mặt khác, ngành kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số, trong đó trọng tâm là xây dựng, số hóa dữ liệu thông tin đất đai; triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Ðồng thời, ngành tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội…