Quản lý, khai thác hiệu quả ba loại rừng

Ngày 16/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2018/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó yêu cầu cụ thể về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả ba loại rừng: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, tại nhiều địa phương, công tác rà soát, điều chỉnh ba loại rừng nêu trên còn gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Cảnh (Bình Định) đối chiếu bản đồ và thực tế giao khoán diện tích rừng cho các hộ dân tham gia quản lý, bảo vệ. Ảnh: QUANG QUYẾT (TTXVN).
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Cảnh (Bình Định) đối chiếu bản đồ và thực tế giao khoán diện tích rừng cho các hộ dân tham gia quản lý, bảo vệ. Ảnh: QUANG QUYẾT (TTXVN).

Bài 1: Nhiều vướng mắc chưa được giải quyết

Hiện trạng, cơ sở dữ liệu rừng cũng như tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp tại nhiều địa phương đã có những sai số so với thực địa. Thực tế này dẫn đến những bất cập khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.

Qua khảo sát tại tỉnh Thái Nguyên cho thấy, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định của cá nhân, hộ gia đình đã nằm đan xen trong quy hoạch ba loại rừng; nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch theo chức năng ba loại rừng thực tế cho thấy không phù hợp tiêu chí quy định mới và điều kiện thực tế của nhiều địa phương có rừng hiện nay.

Trồng cây nhưng không được khai thác

Gia đình ông Lý Văn Học ở xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) có gần 4 ha đất, trước đây trồng sắn sau đó chuyển sang trồng cây keo và cho thu hoạch tốt. Thu nhập từ cây keo góp phần giúp gia đình ông thoát nghèo và có của ăn, của để, dựng vợ gả chồng cho năm người con. Sau đó, gia đình tiếp tục trồng lứa keo thứ hai và coi đây như phần tài sản để dưỡng già. Vậy mà, oái oăm thay, diện tích keo này giờ lại nằm trong diện tích quy hoạch rừng đặc dụng. Ông Học cho biết, cây keo trồng đã lớn nhưng không được thu hoạch, chúng tôi không biết đề nghị ai. Cây mình trồng đã đến lứa mà không được bán, trong khi tiền thì đi vay, chúng tôi bức xúc vô cùng...

Nhiều hộ dân khác tại xã vùng cao này cũng có những hoàn cảnh tương tự gia đình ông Học, vườn tược, ao ruộng thậm chí cả nhà ở cũng "bỗng dưng" bị nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng. Cây cối trồng trong vườn muốn làm nhà, làm cửa đều không được khai thác. Theo báo cáo của UBND xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, trên địa bàn xã này hiện có tổng số 256 hộ dân nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, với diện tích 8.881.543,6 m2, diện tích cần điều chỉnh là 2.568.994,6 m2. Chủ tịch UBND xã Thần Sa Lê Văn Thanh cho biết, việc chồng lấn ba loại rừng khiến địa phương rất khó khăn để phát triển kinh tế, vì quỹ đất sản xuất của xã vốn ít nay lại càng thu hẹp. Việc xây dựng nông thôn mới cũng hết sức khó khăn, vì quy hoạch chồng lấn sẽ ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập giảm sút, làm nhà và đường giao thông cũng không được vì vướng vào diện tích quy hoạch rừng đặc dụng.

Chia sẻ với bất cập nêu trên, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng-phòng hộ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuyên cho biết, đúng là có việc quy hoạch đã bao trùm lên nhiều diện tích đất canh tác ruộng vườn của người dân, thậm chí lên cả nhà ở có sẵn đã gây bức xúc trong nhân dân. Với vai trò là chủ rừng, chúng tôi đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng của địa phương rà soát kỹ lưỡng lại những diện tích không phù hợp nằm trong rừng đặc dụng và kiến nghị lên cấp có thẩm quyền quyết định. Do đó, ngày 19/8/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định 2713/QÐ-UBND, điều chỉnh quy hoạch rừng đặc dụng Thần Sa-Phượng Hoàng từ 19.937 ha xuống còn 18.704 ha, giảm 1.233 ha. Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Bùi Thị Sen thông tin thêm, năm 1999, tỉnh Thái Nguyên thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng, xác lập quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích 19.937 ha. Tuy nhiên, hàng nghìn héc-ta đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng chưa đúng với thực tế, chồng chéo, trùm lên diện tích của nhiều xóm, bản, đất canh tác, nhà dân đã sinh sống lâu đời trước đó, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

Quy hoạch chưa sát với thực tế

Một trong những bất cập tồn tại hiện nay của các địa phương là công tác quy hoạch ba loại rừng do chưa sát với thực tế, nên hầu như không được người dân quan tâm và việc rà soát, thực hiện của các ngành chức năng gặp nhiều khó khăn.

Ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Ðiện Biên đã phê duyệt Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Toàn tỉnh có 694.753 ha (chiếm 72% diện tích tự nhiên) thuộc quy hoạch, trong đó, rừng đặc dụng hơn 51.664 ha (bao gồm cả đất có rừng và chưa có rừng); rừng phòng hộ hơn 416.163 ha và 226.925 ha rừng sản xuất. Ngay sau khi có quyết định quy hoạch ba loại rừng, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo, yêu cầu công bố quy hoạch rừng trên địa bàn đến từng xã, thôn, bản, để người dân hiểu rõ diện tích rừng thuộc quy hoạch; từ đó, chủ động hình thức sản xuất phù hợp, không vi phạm quy định bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, khi chính quyền các địa phương tổ chức công bố quy hoạch tại địa phương thì rất nhiều hộ dân không tham dự, phần vì bận đi làm, vắng nhà, phần vì không coi trọng công bố quy hoạch với suy nghĩ trước thế nào, sau vẫn thế. Chính vì vậy, đến cuối tháng 10/2019 trong tổng số 44.324 hộ thuộc diện phải dự, chứng kiến quy hoạch rừng tại địa phương, chỉ có 32.539 hộ tham gia công bố trên bản đồ; 10.880 hộ tham gia công bố ngoài thực địa. Tại huyện Mường Nhé dù đã hoàn thành công bố quy hoạch đến cấp thôn, bản song chỉ có 3.786/7.362 hộ cần phải tham gia dự công bố qua bản đồ và 2.727 hộ tham gia ngoài thực địa. Một số huyện khác như: Tuần Giáo, Nậm Pồ... chỉ có một phần tham gia công bố trên bản đồ và chưa có hộ nào tham gia công bố ngoài thực địa.

Chính vì không nắm rõ quy hoạch ba loại rừng sau điều chỉnh, cho nên chỉ thời gian ngắn sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh Ðiện Biên thì tại các huyện, như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông... đã liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại rừng. Nguyên nhân chủ yếu do người dân "vô tư" làm nương luân canh trên đất đã quy hoạch rừng mà không hề hay biết. Tính riêng sáu tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh Ðiện Biên đã ra quyết định khởi tố hình sự 18 vụ phá rừng trái pháp luật. Trong đó, địa bàn "nóng" nhất vẫn là huyện Mường Nhé với 46 vụ vi phạm (tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2019), diện tích rừng thiệt hại là 15,5 ha.

Tại huyện Tủa Chùa, Nậm Pồ cũng xảy ra tình trạng người dân phát rừng trên nương luân canh trên đất đã được quy hoạch ba loại rừng. Khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý thì người dân chống đối bằng mọi cách; liên tục gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi hòng gây sức ép dư luận đến cơ quan chức năng, gây bất ổn trật tự trên địa bàn, đặc biệt là khu vực biên giới có đồng bào dân tộc thiểu số mà các thế lực xấu luôn "chờ đợi" cơ hội để xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ nhân dân. Riêng tại huyện Ðiện Biên Ðông, vướng mắc sau khi điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng khá khác các địa phương. Vướng nhất là việc 14 hộ dân bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung hiện cần di chuyển tránh khu vực sụt lún, nguy cơ sạt lở đất cao nhưng liên quan đến quy hoạch ba loại rừng cho nên chưa thể xây dựng phương án di chuyển dân đến nơi an toàn. Ông Vừ A Lử, Trưởng bản Mường Tỉnh A cho biết, bản đã định cư ở đây từ năm 2008-thời điểm trước khi có quy hoạch ba loại rừng, nay thì tất cả diện tích chung quanh bản đều nằm trong quy hoạch. Vì vậy, người dân không thể di chuyển, trong khi nguy cơ sạt lở, sụt lún luôn thường trực đe dọa an toàn cuộc sống.

Các huyện khác trong tỉnh Ðiện Biên cũng gặp vướng mắc sau khi quy hoạch ba loại rừng, chủ yếu do cơ sở dữ liệu, bản đồ, hiện trạng rừng và tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp có sai số lớn so với thực địa; nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định của cá nhân, hộ gia đình nằm đan xen trong quy hoạch; nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch theo chức năng ba loại rừng không phù hợp tiêu chí quy định mới và điều kiện thực tế của các địa phương; nhất là việc quy hoạch ba loại rừng chưa chi tiết, cụ thể, vì vậy tác động không nhỏ đến kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương…

(Còn nữa)