Quản lý chặt xe ô-tô tập lái

Thời gian qua, các quy định về đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe nói chung, giấy phép lái xe ô-tô nói riêng có nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng trong đào tạo cũng như bảo đảm các điều kiện về an toàn đối với người điều khiển xe ô-tô. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra ngay trong quá trình tập lái.
0:00 / 0:00
0:00
Học viên thực hành lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe Đình Xuyên, Hà Nội. (Ảnh HÀ THU)
Học viên thực hành lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe Đình Xuyên, Hà Nội. (Ảnh HÀ THU)

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Hậu (Nam Định) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Lê Thị Dung (32 tuổi, trú tại xóm 2, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, Nam Định) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, khởi tố Đinh Công Thành (59 tuổi, trú tại xóm Cầu Đôi, xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, Nam Định) về tội "Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự. Ngày 11/8/2022, Lê Thị Dung là nữ học viên, người trực tiếp lái xe ô-tô bốn chỗ mang BKS 18A-005.40 gây tai nạn khiến cháu N.T.T. (năm tuổi, trú tại xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) tử vong. Đinh Công Thành là thầy dạy lái xe của Lê Thị Dung, nhưng tại thời điểm xe gây tai nạn, bị can Thành không có trong xe mà giao xe cho Lê Thị Dung điều khiển và ra phía ngoài uống nước.

Trước đó, chiều ngày 19/6/2022, anh Trần Trường Giang, 21 tuổi, điều khiển xe ô-tô tải tập lái lưu thông trên quốc lộ 91 đoạn qua phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đã va chạm với một xe máy khiến người đàn ông đi xe máy tử vong. Thời điểm này có ông Trần Văn Thảo (45 tuổi, thầy dạy lái) cũng ngồi trên xe.

Hiện nay, không khó để bắt gặp những chiếc xe ô-tô gắn biển "Tập lái" vẫn ngày ngày lưu thông trên đường và cũng không có gì để bảo đảm những chiếc xe này đang được điều khiển và giám sát bởi những người có đủ năng lực điều khiển xe theo quy định của pháp luật.

Hiện tại chưa có thống kê chính thức về số vụ tai nạn do xe tập lái gây ra, nhưng từ các vụ tai nạn dẫn đến thương vong như đã nêu ở trên cho thấy, xe ô-tô tập lái đã và đang gây nguy hiểm cho mọi người. Theo quy định của pháp luật, những xe cho học viên tập lái chỉ được đi trên những tuyến đường ghi trên giấy phép xe tập lái. Giấy phép này do các Sở Giao thông vận tải cấp tỉnh cấp với thời gian bằng với chu kỳ đăng kiểm của xe. Tuy nhiên, nhiều giáo viên dạy lái muốn tiết kiệm thời gian, cho nên đã tự ý cho học viên của mình ngồi điều khiển xe từ nhà đến sân tập để học viên có thêm kinh nghiệm lái xe trên đường, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra. Thậm chí, nhiều giáo viên còn "khoán trắng" để cho người học tự lái xe trong bãi tập hoặc trên các tuyến đường ít người qua lại mà không có sự giám sát, mặc dù đây là điều cấm. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng không chú trọng kiểm tra xử lý đối với những vi phạm của xe tập lái khi lưu thông trên đường với tâm lý cho rằng người đang trong quá trình tập lái có thể chưa thành thạo hoặc vi phạm những lỗi nhỏ có thể thông cảm bỏ qua.

Theo quy định mới đây, các xe ô-tô tập lái phải được trang bị thiết bị giám sát hành trình GPS. Điều này nhằm giám sát chặt chẽ việc dạy và học cũng như giúp các Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe xử lý kịp thời đối với những vi phạm. Xe ô-tô tập lái chỉ được chạy trên một cung đường được cấp phép với đủ thời gian đào tạo theo hạng giấy phép lái xe. Tuy nhiên, mặc dù được trang bị thiết bị giám sát cũng như những quy định siết chặt hơn về đào tạo lái xe, điều quan trọng là cần tăng cường giáo dục, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các giáo viên và học viên khi dạy và học lái xe trên đường trường. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt thích đáng đối với các trường hợp vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện đối với xe tập lái để bảo đảm an toàn giao thông. Các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học trong đào tạo lái xe, không chạy theo số lượng cũng như doanh thu mà buông lỏng công tác chuyên môn, nhất là việc đào tạo lái xe không bảo đảm chất lượng có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Quy tắc bảo đảm an toàn cho xe ô-tô tập lái

Về điều kiện tham gia giao thông, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định: "Người tập lái xe ô-tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái".

Bên cạnh đó, xe tập lái và người ngồi trên xe tập lái phải tuân thủ các quy tắc sau: Xe tập lái phải có giấy phép xe tập lái do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải cấp. Xe tập lái phải có biển xe "Tập lái" theo mẫu; có ghi tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe theo quy định. Giáo viên thực hành phải đeo phù hiệu "Giáo viên dạy lái xe", học viên tập lái phải đeo phù hiệu "Học viên tập lái xe". Giáo viên dạy thực hành phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép xe tập lái.