Quản lý chặt an toàn vệ sinh thực phẩm

Chỉ trong một tuần lễ đã xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm tại Đồng Tháp và Vĩnh Long khiến hàng trăm người nhập viện. Sau vụ việc, ngành chức năng các địa phương liên quan tăng cường thanh tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp tại Vĩnh Long chuẩn bị bữa cơm cho công nhân của một công ty. (Ảnh BÁ DŨNG)
Một đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp tại Vĩnh Long chuẩn bị bữa cơm cho công nhân của một công ty. (Ảnh BÁ DŨNG)

Tại tỉnh Đồng Tháp, trong ngày 7/8, Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự (thành phố Hồng Ngự) tiếp nhận 20 ca nhập viện với các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, nôn ói... Tất cả bệnh nhân này đều là công nhân của Công ty TNHH may túi xách Thái Dương (thành phố Hồng Ngự). Những ngày sau đó, ngành y tế tỉnh này ghi nhận tiếp tục có thêm nhiều bệnh nhân là người dân ở ngoài công ty nhập viện. Tổng số ca ngộ độc thực phẩm là 149.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, kết quả quá trình điều tra, kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm, thực phẩm của vụ nghi ngờ 149 người ngộ độc (không có người tử vong) có liên quan đến pa-tê gan trong bánh mì thịt do cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 (số 138, đường Hùng Vương, Khóm 3, phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự) tự sản xuất. Chủ hộ kinh doanh là ông Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1987.

Còn tại Vĩnh Long, sáng 13/8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh này tiếp nhận thông tin về sự cố nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH BoHsing (Khu Công nghiệp Hòa Phú, ấp Phước Hòa, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ). Trước đó, trưa 12/8, công ty tổ chức nấu “Bữa cơm Công đoàn” cho 1.500 công nhân gồm: 1.374 phần mặn, 126 phần chay và các món tráng miệng. Sau khi ăn, nhiều công nhân có triệu chứng chóng mặt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Ngành y tế tỉnh xác định có 287 người ngộ độc thực phẩm, trong đó nhập viện 221 ca, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định.

Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long đã công bố kết quả vụ ngộ độc thực phẩm này. Theo đó, 7/14 mẫu có chất gây ngộ độc thực phẩm do các vi sinh vật Bacillus cereus, E.Coli, Salmonella spp gây ra. Những vi sinh vật này có trong các thức ăn: Bắp xào củ cải thịt nạc; đậu hũ chiên; bắp xào chay; đùi gà chiên nước mắm; thịt heo xào đậu, cà rốt; rau sà lách, dưa leo, cà chua; trái cây (táo, chuối).

Từ kết quả trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất xử phạt Công ty TNHH BoHsing mức từ 160-200 triệu đồng do chế biến, cung cấp thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe từ 5 người trở lên (đối với tổ chức); xử phạt hộ kinh doanh Hồng Phát do ông Lê Quí Long làm chủ hộ với ba mức phạt từ 80-100 triệu đồng do chế biến, cung cấp thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe từ 5 người trở lên (đối với cá nhân); phạt từ 1-3 triệu đồng do không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn và phạt từ 3-5 triệu đồng do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 với hành vi: Sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, cơ sở này bị xử phạt 90 triệu đồng; xử phạt bổ sung: Đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm 4 tháng; buộc cơ sở chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm với số tiền hơn 383 triệu đồng. Từ tháng 8/2024, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã cho ngưng hoạt động hai trong chuỗi năm cửa hàng bánh mì Hồng Ngọc ở thành phố Sa Đéc và thành phố Hồng Ngự.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, ngành y tế tiếp tục phối hợp các ngành liên quan tiến hành các đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh một số loại bánh như bánh mì, bánh bông lan, các bếp ăn tập thể..., nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý. Song song đó, Sở tăng cường vận động chủ cơ sở và người tiêu dùng chấp hành nghiêm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long, trên địa bàn tỉnh hiện có 9.669 cơ sở sản xuất thực phẩm bao gồm cả cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh. Sáu tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thành lập 271 đoàn các cấp thanh, kiểm tra gần 4.600 cơ sở; qua đó, phát hiện gần 500 cơ sở vi phạm, trong đó có 38 cơ sở vi phạm bị xử lý và 461 cơ sở vi phạm do tuyến huyện, xã kiểm tra nhắc nhở và cho viết cam kết.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, yêu cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đây không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành y tế mà là trách nhiệm của nhiều ngành, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở, trong việc quan tâm quản lý ngay từ đầu, từ sớm, từ xa. Song song đó, cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng cũng là yếu tố cần thiết để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…■