Quận Hoàn Kiếm, trái tim của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến

Quận Hoàn Kiếm, trái tim của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến

NDO - Quận Hoàn Kiếm không chỉ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế của Hà Nội mà còn là nơi hội tụ, lưu giữ nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa gắn liền với vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước mỗi khi ghé thăm Thủ đô.

Cách đây 62 năm, thực hiện chủ trương xây dựng, mở rộng Thủ đô của Bộ Chính trị và Nghị quyết Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa II, ngày 31/5/1961, Chính phủ đã ra quyết định về tổ chức hành chính thành phố Hà Nội gồm 4 khu phố nội thành: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và 4 huyện ngoại thành: Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh.

Đến năm 1981, bộ máy chính quyền thành phố được tổ chức thống nhất thành 3 cấp, khu phố Hoàn Kiếm chuyển thành quận Hoàn Kiếm.

Trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của Hà Nội

Mặc dù có diện tích khiêm tốn, chỉ 5,29km2 (nhỏ hơn cả diện tích Hồ Tây - 5,3km2), nhưng Hoàn Kiếm lại là khu vực sầm uất, phát triển và đắt đỏ bậc nhất Thủ đô.

Đây là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của thành phố Hà Nội, tập trung nhiều đầu mối giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường bộ quan trọng, đồng thời là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước.

Quận cũng là địa phương hội tụ nhiều công trình di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, thu hút du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé thăm.

Quận Hoàn Kiếm phía bắc giáp quận Ba Đình tới phố Hàng Đậu làm ranh giới; phía đông giáp sông Hồng với cả vùng bãi ngoài đê từ Phúc Tân - chợ Long Biên chạy dài đến đường Vạn Kiếp; phía nam giáp quận Hai Bà Trưng giới hạn bởi các đường phố Hàn Thuyên - Lê Văn Hưu - Nguyễn Du; phía tây giáp hai quận Ba Đình, Đống Đa, phân cách bởi phố Lý Nam Đế và khu vực ga Hà Nội.

Nằm ở quận Hoàn Kiếm, Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội, một trong những địa danh du lịch thu hút du khách bậc nhất Thủ đô. Được bao bọc bởi hai con phố lớn Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ, từ trên cao nhìn xuống, Hồ Gươm như một hòn ngọc xanh ngắt, rất đẹp và thơ mộng.

Quận Hoàn Kiếm, trái tim của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến ảnh 1

Được bao bọc bởi hai con phố lớn Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ, từ trên cao nhìn xuống, Hồ Gươm như một hòn ngọc xanh ngắt, rất đẹp và thơ mộng. (Ảnh: SƠN BÁCH)

Ngoài ra, nói đến quận Hoàn Kiếm không thể không nhắc tới các tuyến phố cổ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 10 thế kỷ, Phố cổ Hà Nội chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của Thủ đô.

Nơi đây không chỉ tập trung các hoạt động giao thương, buôn bán sầm uất mà còn chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể và phi vật thể vô giá, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Cách đây 7 năm, ngày 1/9/2016, Hà Nội tổ chức khai trương không gian đi bộ Hồ Gươm vào thứ 7, chủ nhật và thêm buổi tối thứ 6 hàng tuần. Trong thời gian này, thành phố cho phép các khách sạn từ 3 sao trở lên, quán bar, nhà hàng tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm được mở cửa phục vụ đến 2h sáng hôm sau. Việc tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận đã tạo ra nét đẹp trong cảnh quan cũng như nét riêng đầy quyến rũ của Hoàn Kiếm.

Quận Hoàn Kiếm hiện có 18 đơn vị hành chính phường gồm: Cửa Nam, Hàng Bài, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Mã, Cửa Đông, Hàng Gai, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Trống, Chương Dương, Phúc Tân.

Với bề dầy truyền thống quý báu, Hoàn Kiếm còn là nơi lưu giữ 190 di tích lịch sử-văn hóa, di tích cách mạng nổi tiếng như: Quần thể di tích Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn - Đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Nhà thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, Chợ Đồng Xuân... và đình thờ các ông tổ nghề như đình Lò Rèn, đình Hàng Giấy...

Quần thể di tích văn hóa-lịch sử và di tích cách mạng gắn liền với truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến đã và đang được chính quyền thành phố quan tâm tôn tạo, và đây chính là thế mạnh, tiềm năng du lịch văn hóa của quận Hoàn Kiếm, tạo nên sức hút với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Quận Hoàn Kiếm, trái tim của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến ảnh 2

Phố cổ Hà Nội không chỉ tập trung các hoạt động giao thương, buôn bán sầm uất mà còn chứa đựng một kho tàng giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Với những đặc điểm như trên, trong những năm qua, kinh tế quận Hoàn Kiếm phát triển với mức tăng trưởng cao, bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch (năm 2019, nhóm ngành này chiếm đến hơn 98%).

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt so với kế hoạch thành phố giao. Năm 2021, trong các quận, huyện của Hà Nội, Hoàn Kiếm đứng thứ 2 về thu ngân sách với 14.008 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đạt 14.732 tỷ đồng, đạt 131% dự toán, bằng 105,2% so với năm trước đó.

Đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của Hà Nội thuộc diện phải sáp nhập

Mới đây, báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025, cùng với đó là 176 đơn vị hành chính cấp xã.

Ngày 12/7 vừa qua, tại Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Nghị quyết nêu rõ, đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng thì thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025.

Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có quy mô dân số tối thiểu 150 nghìn người, diện tích tự nhiên tối thiểu 35km2.

Quận Hoàn Kiếm, trái tim của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến ảnh 4
Nhà thờ Lớn với kiến trúc Pháp, tọa lạc tại số 40 Nhà Chung, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm là điểm đến quen thuộc của du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Quận Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên là 5,347km2, quy mô dân số là 212.921 người (kết quả rà soát mới nhất của UBND thành phố). Đối chiếu quy định trên, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Tuy nhiên, cũng theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, một trong những nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn tới là chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư…

Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 31/7, ông Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội nêu rõ, việc sắp xếp phải phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương; có cân nhắc đến các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

back to top