ND - Quan hệ Nga - Liên hiệp châu Âu (EU) vốn tồn tại nhiều điểm nhạy cảm lại càng lộ rõ những bất đồng chưa thể sớm hàn gắn, đặc biệt sau Hội nghị cấp cao Nga - EU vừa qua.
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực khiến việc thắt chặt quan hệ song phương được các nhà lãnh đạo quan tâm thúc đẩy trong thời gian qua, tuy nhiên, chưa dễ tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề.
Với nguồn dự trữ năng lượng dồi dào, Nga hiện là đối tác quan trọng của EU khi cung cấp một phần ba lượng dầu mỏ, 40% lượng khí đốt tự nhiên cho khối này và là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU với kim ngạch thương mại song phương tăng 20%/năm.
Trong khi đó, EU là đối tác thương mại chính của Nga với kim ngạch xuất khẩu của Nga vào EU năm 2008 đạt 382 tỷ USD, chiếm 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Các nhà phân tích cho rằng, với quan hệ phụ thuộc lẫn nhau như vậy, để bảo đảm an ninh năng lượng, EU không muốn mất nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định này. Còn với Nga, để hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu và trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế lớn, Moscow cũng rất cần đối tác như EU.
Tuy nhiên, quan hệ song phương không mấy mặn nồng do những khác biệt giữa hai bên về nhiều vấn đề, trong đó có quan điểm về cuộc chiến tại Gruzia tháng 8-2008 và việc Nga công nhận hai khu vực Abkhazia và Nam Ossetia là hai quốc gia độc lập. Căng thẳng hai bên trở nên căng thẳng hơn khi cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ucraine làm gián đoạn nguồn cung cho hàng loạt nước EU giữa mùa đông giá rét đầu năm 2009.
Hội nghị cấp cao giữa Nga - EU tại Khabarovsk (Nga) kết thúc ngày 22-5 vừa qua đã không thể hàn gắn được mối quan hệ vốn "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa hai bên mà còn cho thấy những vấn đề gây chia rẽ sâu sắc khác, như chương trình "Ðối tác phương Ðông" của EU, nhằm tăng cường quan hệ với sáu nước CH thuộc Liên Xô trước đây (gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ucraine). Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định cho tới nay, EU vẫn chưa thuyết phục được Nga về tính hữu ích của chương trình này.
Moscow đã cáo buộc EU đang tạo ra những đường chia rẽ mới tại châu Âu và Nga nghi ngờ mưu toan của một số nước nhằm biến chương trình này thành "Ðối tác chống Nga". Moscow cho biết, đã phát triển quan hệ đối tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), nhưng cuộc xung đột vừa qua tại khu vực Cáp-ca-dơ đã khiến hình thức đối tác đó bộc lộ những mặt yếu kém và quan hệ đối tác này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình khôi phục. Vì thế, Nga lo ngại về khả năng xuất hiện thêm cơ cấu tương tự với sự tham gia của những nước có tâm lý chống Nga và các nước châu Âu khác.
Trong khi đó, Tổng thống CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho rằng chương trình "Ðối tác phương Ðông" chỉ nhằm tăng cường các quan hệ kinh tế và chính trị giữa 27 nước thành viên EU với sáu nước ở Ðông Âu chứ không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào và khẳng định EU luôn coi Moscow là một đối tác chiến lược.
Một vấn đề khác gây bất đồng giữa Nga và EU là việc thay thế Hiến chương Năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng. Nga đã hy vọng EU sẽ có phản ứng tích cực đối với đề xuất của Tổng thống Medvedev thay thế Hiến chương Năng lượng bằng những quy định mới về điều tiết các quan hệ hợp tác năng lượng toàn cầu trong bối cảnh mới.
Tuy nhiên, châu Âu cho rằng hiện chưa có lý do để phải thay thế Hiến chương Năng lượng, đồng thời khẳng định EU vẫn cam kết thực hiện đầy đủ văn bản hiện hành này. Hiến chương Năng lượng quy định về việc hợp tác giữa các hệ thống năng lượng của Ðông Âu với Tây Âu, được thông qua năm 1991 và đã có 49 nước cùng với EU ký phê chuẩn. Nga cũng đã ký văn bản này năm 1991 song chưa phê chuẩn. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng giữa Nga và Ucraine những ngày qua đã làm dấy lên lo ngại nguồn cung cấp cho châu Âu bị gián đoạn. Khí đốt luôn là chủ đề nhạy cảm trong mối quan hệ Nga - Ucraine và ảnh hưởng trực tiếp tới các khách hàng châu Âu.
Nga bác bỏ đề xuất của Ucraine hoãn thanh toán khoản tiền năm tỷ USD chi phí mua khí đốt của Nga để đưa vào các cơ sở dự trữ, thay vào đó Ucraine sẽ trả khoản tiền này bằng các khoản phí trung chuyển khí đốt trong tương lai mà Moscow sẽ trả cho Ucraine.
Hiện khoảng 80% lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu được quá cảnh qua hệ thống đường ống này. Nga cho rằng EU nên cho Kiev vay tiền để trả tiền khí đốt cho Moscow để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho khối này và thể hiện sự hợp tác trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Châu Âu từng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ucraine khiến nhiều nước thành viên EU bị mất nguồn cung khí đốt trong hai tuần vào tháng 1-2009. Vì vậy, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo không nên có thêm gián đoạn nào về nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Những bất đồng trong nhiều vấn đề giữa Nga và EU thời gian qua cho thấy hai bên cần nhiều thời gian và nỗ lực trong việc tìm ra tiếng nói chung.
Bích Hạnh