Quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản với các nước Trung Đông

Mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang ngày càng phát triển. Năm 2022, trao đổi thương mại giữa hai bên đã vượt 100 tỷ USD.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản-GCC diễn ra tại Saudi Arabia. (Ảnh The Diplomatic Insight)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản-GCC diễn ra tại Saudi Arabia. (Ảnh The Diplomatic Insight)

Hiện nhập khẩu dầu thô từ Trung Ðông đáp ứng khoảng 90% nhu cầu của Nhật Bản đối với mặt hàng này và Tokyo mong muốn bảo đảm an ninh năng lượng thông qua quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ và khí đốt.

GCC và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận nối lại đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) hồi tháng 7 vừa qua, khi hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa các nước vùng Vịnh và Nhật Bản. Thỏa thuận được ký bên lề cuộc gặp giữa Tổng Thư ký GCC Jassim Mohammed Al-Budaiwi (G.M.An Bu-đai-uy) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nhật Bản tới thành phố Jeddah của Saudi Arabia.

Nhật Bản cũng đang xem xét cách thức tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế với Saudi Arabia, khẳng định rằng quốc gia Trung Ðông này là đối tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời hai nước đang đẩy mạnh hợp tác song phương về dịch vụ tài chính, du lịch, thể thao, văn hóa và giải trí. Một trong những lĩnh vực hợp tác song phương quan trọng nhất giữa Nhật Bản và Saudi Arabia là khử carbon.

Thông qua sáng kiến Manar giữa Saudi Arabia và Nhật Bản được đưa ra trong chuyến thăm Riyadh của Thủ tướng Kishida, Tokyo sẽ tìm cách phát triển các dự án chung liên quan đến công nghệ sử dụng hydro và amoniac một cách an toàn. Nhật Bản và Saudi Arabia nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ năng lượng.

Nhật Bản coi các nước ở khu vực Trung Ðông là đối tác quan trọng về kinh tế và giúp Nhật Bản mở rộng vai trò ở khu vực này. Cơ chế tham vấn ba bên giữa Ai Cập, Jordan và Nhật Bản được khởi động vào tháng 8/2021 và vòng tham vấn cấp bộ trưởng đầu tiên được tổ chức thông qua một hội nghị trực tuyến vào tháng 3/2022; sau đó, Cairo đã tổ chức vòng thứ hai đối thoại vào tháng 9/2022.

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry (X.Su-cri) cùng người đồng cấp Ayman Safadi (A.Xa-pha-đi) của Jordan và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa (Ha-y-a-si Y-ô-si-ma-xa) đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của cơ chế tham vấn ba bên. Tại cuộc họp diễn ra bên lề vòng thứ ba Ðối thoại chính trị Nhật Bản-Arab, được tổ chức tại trụ sở Liên đoàn Arab (AL) ở Cairo, Ai Cập, Bộ trưởng Ngoại giao ba nước đã nhất trí về sự cần thiết phải đạt được một nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện ở Trung Ðông.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi đánh giá cao vai trò then chốt của Ai Cập trong việc duy trì hòa bình ở Trung Ðông và châu Phi. Ai Cập là đối tác quan trọng của Tokyo khi quan hệ song phương đã được nâng cấp lên mức Ðối tác chiến lược trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Ai Cập vào tháng 4 vừa qua. Hai bên đã thảo luận việc tăng cường quan hệ và hợp tác kinh tế như hỗ trợ hoạt động di chuyển của tàu thuyền qua Kênh đào Suez, dự án Ðại Bảo tàng Ai Cập - một biểu tượng hợp tác văn hóa giữa hai bên, cũng như thúc đẩy đầu tư và nối lại các chuyến bay thẳng giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Jordan đầu tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã có cuộc tiếp kiến Quốc vương Jordan Abdullah II nhằm thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và quốc phòng giữa hai nước. Hai bên cùng đánh giá kết quả chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 4 của Quốc vương Abdullah II và bàn các biện pháp nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được nhân chuyến thăm này.

Quốc vương Abdullah II ca ngợi sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với người tị nạn Syria và cộng đồng sở tại, cũng như người tị nạn Palestine thông qua Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng Cận Ðông của Liên hợp quốc (UNRWA). Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Jordan Bisher Khasawneh (B.Kha-xa-nê) để xem xét quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Ông Khasawneh ca ngợi việc Nhật Bản thông qua khoản vay 102,8 triệu USD để hỗ trợ ngành điện lực Jordan.

Ngoài ra, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã quyết định tài trợ 6,4 triệu USD nhằm nâng cao năng lực vận hành của hệ thống năng lượng Jordan. Diễn đàn doanh nghiệp Jordan-Nhật Bản tại Amman được tổ chức tháng 7 vừa qua đã khám phá các cơ hội hợp tác đầy tiềm năng giữa hai bên.

Thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Trung Ðông sẽ giúp đất nước Nhật Bản vốn ít tài nguyên có sự bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực này muốn tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Nhật Bản nhằm thúc đẩy nỗ lực giảm phụ thuộc nguồn thu vào dầu mỏ và đa dạng hóa nền kinh tế, do giá dầu có thể giảm trong tương lai trong bối cảnh thế giới thúc đẩy xu hướng giảm carbon.