Quản chặt nguồn vật liệu thi công đoạn cao tốc bắc - nam qua Ninh Thuận

NDO -

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án 85 chủ trì, phối hợp cùng đại diện liên danh nhà đầu tư, nhà thầu thi công, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và đại diện 11 chủ mỏ làm việc, rà soát nhu cầu, khả năng cung ứng, tính toán khối lượng kỹ lưỡng, tránh tình trạng đầu cơ nâng giá, mua bán trái phép.

Một mỏ khai thác cát, đoạn phía dưới đèo Cậu thuộc địa phận huyện Ninh Sơn, để cung ứng nguồn vật liệu cho thi công Dự án đường cao tốc bắc - nam đoạn qua tỉnh Ninh Thuận.
Một mỏ khai thác cát, đoạn phía dưới đèo Cậu thuộc địa phận huyện Ninh Sơn, để cung ứng nguồn vật liệu cho thi công Dự án đường cao tốc bắc - nam đoạn qua tỉnh Ninh Thuận.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị có liên quan xác định vị trí, chất lượng mỏ, nguồn nước phục vụ thi công; đồng thời hướng dẫn các đơn vị chức năng thực hiện hoàn tất hồ sơ, thủ tục pháp lý khai thác, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời và đúng quy định.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận - Nguyễn Văn Vinh cho biết, trên cơ sở dự báo nhu cầu và rà soát quy hoạch, hiện trạng cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, hiện tại khả năng cung cấp, điều phối vật liệu đá xây dựng cho thi công đường cao tốc rất thuận lợi.

Về đất đắp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về trữ lượng khai thác phục vụ thi công. Trước mắt, ưu tiên cấp phép khai thác trữ lượng tại các khu vực được khoanh định vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp để phục vụ thi công dự án.

Về sau, tùy vào nhu cầu vật liệu phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng, công trình khắc phục thiên tai, địch họa, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới,… tại các dự án được phê duyệt và triển khai trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản phù hợp điều kiện thực tế.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Khắc Huy Anh cho biết, dọc tuyến quy hoạch đường bộ cao tốc bắc - nam, có các hồ thủy lợi, như: hồ Sông Trâu, Bà Râu, Thành Sơn, Phước Nhơn, Lanh Ra, Bàu Zôn, hồ Suối Lớn,..; kênh Bắc, kênh Nam; sông Cái Phan Rang và một số sông, suối độc lập khác có thể khai thác, sử dụng nước để phục vụ thi công. Bên cạnh đó, có thể khai thác nguồn nước dưới đất tại chỗ từ một đế hai giếng khoan nối mạng dẫn về để phục vụ thi công.

Mới đây, Đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận để thống nhất triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc - nam, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm giúp tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thiện Nút giao giữa cao tốc bắc - nam với tuyến đường kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná tại đường tỉnh lộ 709 đang triển khai xây dựng một số dự án trọng điểm để phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía nam của tỉnh.

Đề nghị xem xét, đồng ý kéo dài hợp đồng thi công di dời một số công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án cao tốc để giải ngân kinh phí đúng tiến độ theo kiến nghị của các địa phương do một số công trình phải chờ thi công hào kỹ thuật của cao tốc xong mới thi công di dời công trình đi qua hào kỹ thuật dùng chung, kéo dài thời gian hợp đồng.

Quan tâm chỉ đạo kiểm tra và có hướng giải quyết dứt điểm việc thi công làm nứt nhà dân tại Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 1 (giai đoạn 1, vốn Trái phiếu Chính phủ và giai đoạn 2, vốn BOT), để giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị của cử tri, người dân địa phương đã kéo dài nhiều năm qua và việc hoàn trả kết cấu hạ tầng do hư hỏng các tuyến đường vận chuyển vật tư, thiết bị thi công công trình đường bộ cao tốc, gồm đường dùng chung, đường công vụ,….

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85, liên danh nhà đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với đại diện chính quyền địa phương và các chủ mỏ để thống nhất xác định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, làm cơ sở sau này các bên thực hiện đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của mình, không để ảnh hưởng hư hỏng các tuyến đường địa phương sau khi thi công xong đường bộ cao tốc nhưng không bảo đảm trật tự an toàn giao thông, gây bức xúc cho nhân dân địa phương.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo giải quyết dứt điểm nguồn kinh phí (khoảng 500 triệu đồng) để xử lý giao cắt giữa hệ thống điện 22 kV phục vụ vận hành đường ống kênh chính thuộc Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với dự án đường bộ cao tốc bắc - nam đoạn qua tỉnh Ninh Thuận, để tỉnh chỉ đạo xử lý tiếp theo, bảo đảm tiến độ công việc.

Về phía tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện có dự án đi qua phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ giúp các nhà thầu thi công, liên danh nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án 85 trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực thi công dự án, khu vực khai thác mỏ, quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng,…kịp thời xử lý nghiêm khi có vụ việc phức tạp về an ninh trật tự xảy ra, không để xảy ra trộm cắp, làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng, đầu cơ nâng giá, ép buộc mua bán vật liệu xây dựng trái phép,...

Riêng với 29 trường hợp (Ninh Sơn: 23, huyện Ninh Phước: hai, huyện Thuận Nam: ba, huyện Bác Ái: một) đến nay chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, giao địa phương tiếp tục đối thoại với các hộ dân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng; trường hợp không chấp hành, có biện pháp xử lý dứt điểm, bảo đảm có được toàn bộ mặt bằng bàn giao trước ngày 10-4-2021, không để chậm trễ.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nói: “Việc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều lần, trường hợp bàn giao mặt bằng chậm trễ, lãnh đạo UBND huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Giao Sở Giao thông vận tải theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nội dung này tại các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam và Bác Ái, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 15-4-2021”.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 85 trước đó, nhu cầu nguồn vật liệu chủ yếu phục vụ thi công tuyến đường cao tốc bắc - nam, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 1.543.242 m3 đá xây dựng và 8.348.172 m3 vật liệu đất đắp; đối với các loại vật liệu khác như đá chẻ, cát xây dựng nhu cầu sử dụng cho dự án này không nhiều, hiện địa bàn tỉnh có nguồn cung cấp dồi dào.

Đối với nguồn vật liệu đá xây dựng, hiện tại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có tổng công suất tại các mỏ đang khai thác là 1.882.000 m3/năm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phục vụ thi công. Các mỏ đá phân bố dọc theo tuyến đường cao tốc bắc - nam đoạn qua địa bàn tỉnh và với khoảng cách vận chuyển dưới 15 km, nên khả năng cung cấp, điều phối vật liệu đá xây dựng cho thi công đường cao tốc là thuận lợi.

Đối với nguồn vật liệu đất đắp (đất san lấp), hiện tại trên địa bàn tỉnh có năm mỏ đất san lấp được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng 2,5 triệu m3 và tám mỏ đất san lấp đã được cấp phép thăm dò với tổng trữ lượng dự kiến đạt được khoảng 4,1 triệu m3. Như vậy, tổng trữ lượng đất san lấp của các giấy phép thăm dò, khai thác đã cấp trên địa bàn tỉnh là hơn 6,6 triệu m3, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nguồn vật liệu đất đắp cho thi công dự án đường cao tốc, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận.