Cũng như mọi năm, mặc dù đã chủ động và có sự chuẩn bị chu đáo nhưng tại các bến tàu xe ở Hà Nội vẫn không tránh khỏi lượng khách về quê ăn Tết đổ dồn về các bến gây tình trạng quá tải, ùn ứ.
Ngày 26-1 (tức 26 tháng Chạp), trùng vào ngày chủ nhật nên nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã “linh động” cho nhân viên nghỉ sớm để về quê trước nên lượng khách đổ về các bến xe khá đông. Vì vậy lịch trình xuất bến của các nhà xe cũng có sự điều chỉnh khiến cho không ít hành khách nhỡ chuyến. Chị Phạm Thị Duyên, quê Đông Hưng (Thái Bình) cho biết: “Mặc dù đã dự đoán ngày Tết xe khách có thể thay đổi giờ xuất bến, tôi đã phải ra sớm hơn mọi khi cả giờ đồng hồ, nhưng tới bến thì xe đã chạy từ lâu nên tôi phải chờ tới chuyến sau”.
Ghi nhận của phóng viên NDĐT tại bến xe phía Nam cho thấy, nếu như ngày thường các lái, phụ xe phải đi mời chào khách thì những ngày này tình hình diễn biến ngược lại. Hành khách xếp hàng dài chờ xe tại các nhà chờ, cửa ra vào của các bến xe. Mỗi khi có xe vào bến, hành khách trên xe còn chưa kịp xuống thì khách dưới đất đã cố chen lên để mong kiếm được chỗ ngồi ổn định.
Tuy nhiên, khổ nhất vẫn là những hành khách phải đi về các tuyến huyện, vì tuyến này ít xe nên nhiều hành khách phải chờ vài giờ đồng hồ mà vẫn “thấp thỏm” lo không bắt được xe về trong ngày. Quê ở Giao Hương, Giao Thủy (Nam Định), bà Nguyễn Thị Mai cho biết, đã chờ hai giờ liền ở Bến xe Mỹ Đình mà vẫn chưa có xe về. Nhưng bà Mai quyết định vẫn phải đợi vì đi các xe khác không về được tới huyện nhà.
“Sốt ruột lắm vì Tết đến nơi rồi, ở nhà còn nhiều việc mà lại phải ngồi ở đây hàng giờ, không biết hôm nay có về được tới nhà được không!” - bà Mai lo lắng.
Trao đổi với phóng viên NDĐT, Giám đốc bến xe phía Nam Nguyễn Tất Thành khẳng định, trên tinh thần không để khách ở lại qua đêm trên bến, lãnh đạo bến xe đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải bảo đảm các số chuyến lượt đã được đăng ký với bến. Ngoài ra, trên các bến có các xe dự phòng trên các tuyến. Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho biết đã lên phương án dự phòng tăng thêm ca, thêm chuyến trong những ngày cận Tết khi lượng khách đổ về đông quá dự kiến.
Theo ông Thành khả năng ngày 28-1 (tức 28 tháng Chạp) sẽ là ngày “cao điểm”. Chính vì vậy bến xe phía Nam đã chủ động xây dựng phương án, theo đó tăng cường 170 đến 200 lượt xe. Ngoài ra, cũng khuyến cáo hành khách nên vào các quầy vé để mua vé chứ không nên đón xe khách dọc đường dễ bị nhà xe lợi dụng tăng giá vé.
Vẫn trên tinh thần không để khách ở lại qua đêm, đêm 30 Tết, bến xe phía Nam đã bố trí ba tuyến thường xuyên có khách về quê muộn là Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình, theo đó, bố trí giữ các xe lại đến 20 giờ 30 phút mới được xuất bến và riêng tuyến Nam Định có một xe chờ đến 21 giờ 30 tháng Chạp mới xuất bến.
Được biết, một điểm mới của bến xe phía Nam năm nay là cho lập các tổ công tác tại bến, tổ chức các “trạm” công an và cảnh sát giao thông chốt ở các điểm xe xuất bến nhằm kiểm soát không để các xe đón khách dọc đường gây mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, cũng đã tăng cường bố trí lực lượng cảnh sát trật tự vòng ngoài cùng sự hỗ trợ của PC45 Công an TP Hà Nội cùng công an quận Hoàng Mai nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước đó, sáng ngày 25-1 (tức 25 tháng Chạp), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã tới kiểm tra các bến xe phía Nam Hà Nội. Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu các bến xe tại Hà Nội phải huy động tối đa phương tiện, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Ngoài ra các bến xe cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm cho người dân đi lại an toàn, thuận lợi.