Suốt hàng trăm năm tồn tại, trải qua nhiều thăng trầm, với lòng đam mê gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, các lớp nghệ nhân đã đưa Bát Tràng, huyện Gia Lâm trở thành cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam. Đáng chú ý, các thế hệ nghệ nhân gốm đã khôi phục được các mẫu gốm thời Lý, Trần, Lê...; đồng thời, sáng tạo nhiều kỹ thuật mới, hài hòa cả về hình thể lẫn mầu sắc của gốm, vừa truyền thống, vừa hiện đại.
Còn với làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, từ bao đời nay, các thế hệ nghệ nhân làng nghề cũng đã gìn giữ và phát triển nghệ thuật dệt lụa, tạo ra những tấm lụa đẹp về mầu sắc, tinh xảo trong từng đường nét hoa văn. Những tấm lụa mềm mại là niềm tự hào, biểu tượng của sự thanh lịch và tinh tế. Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc trở thành điểm du lịch, tham quan hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công Thế giới rất chặt chẽ, dựa trên các trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Bộ tiêu chí cũng nhấn mạnh sự công nhận toàn cầu, đổi mới địa phương, cơ hội hợp tác và các yếu tố bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Các làng nghề cũng phải thể hiện tính cộng đồng; khả năng kết nối và hợp tác quốc tế, sẵn sàng học hỏi từ bạn bè năm châu để làm giàu thêm vốn kiến thức và kỹ thuật của mình. Làng nghề còn nhiều nghệ nhân đam mê giữ gìn, phát triển nghề truyền thống... Đoàn giám khảo của Hội đồng đã khảo sát, thẩm định rất kỹ lưỡng và cả hai làng nghề đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này để được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.
Tiếp nối thành công của làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc, trong năm 2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu được Hội đồng Thủ công Thế giới xem xét, công nhận thêm hai làng nghề là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo Thế giới.
Mới đây, tại lễ trao chứng nhận cho hai làng nghề thủ công thế giới Bát Tràng và Vạn Phúc, đại diện Hội đồng Thủ công Thế giới cho biết, danh hiệu không chỉ là sự công nhận cho kỹ nghệ tinh xảo của hai làng nghề, mà còn là niềm tự hào văn hóa của các nghệ nhân Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Thành công của Bát Tràng và Vạn Phúc là nguồn cảm hứng to lớn cho các quốc gia khác, chứng minh rằng với sự đoàn kết, đầu tư và tâm huyết, các ngành thủ công không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực kinh tế và niềm tự hào văn hóa…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nhận thức sâu sắc về tiềm năng và giá trị của các làng nghề, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, có nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển làng nghề. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhất là Hội đồng Thủ công Thế giới để quảng bá rộng rãi hơn nữa những tinh hoa nghề thủ công của Hà Nội cũng như bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch bền vững; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội vươn xa.