Đổi mới giáo dục, xây dựng xã hội học tập thời kỳ chuyển đổi số

Ngày 27/12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI, Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và sơ kết 1 năm thực hiện Phong trào thi đua “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thời kỳ chuyển đổi số”.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

GS, TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ, 2025 là năm thực hiện nhiều chủ trương mới về xây dựng đất nước, nhất là năm hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, năm Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tập trung triển khai toàn diện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần đổi mới. Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài, phong trào học tập suốt đời trong mỗi công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030; tiếp tục triển khai và đánh giá phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” do Thủ tướng phát động.

Hội tập trung đẩy mạnh công tác số hóa các hoạt động khuyến học - khuyến tài; phối hợp các cơ quan liên quan triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hội cũng phấn đấu phát triển tổ chức hội và hội viên trong các trường, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, với mục tiêu đạt 80% đảng viên tham gia hội; tiếp tục thực hiện phong trào “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thời kỳ chuyển đổi số”.

Các chương trình như “Khuyến học xanh”, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được đổi mới và nâng cao chất lượng. Hội cũng đặt trọng tâm vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ “hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường”, phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức cho học sinh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng khẳng định, năm 2024, các cấp hội khuyến học từ Trung ương đến cơ sở đã làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng như về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Theo báo cáo của hội khuyến học các tỉnh, thành phố, đến nay số hội viên khuyến học cả nước trên 27 triệu người (tỷ lệ 28% trên tổng số dân, tăng 1,2% so với năm 2023); số hội khuyến học cơ sở trên 10.000 hội; số chi hội khuyến học trên 132.000 và trên 143.000 ban khuyến học.

Quỹ Khuyến học Việt Nam đã tiếp nhận trên 4 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Quỹ đã chi trên 5 tỷ đồng, trong đó: trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên vượt khó, các thầy cô giáo có thành tích tốt...; tiếp tục, nhận đỡ đầu cho 20 học sinh mồ côi cha, mẹ (hoặc cả cha và mẹ) do Đại dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh; trao học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ 4 cho 290 học sinh và 173 người lớn của 14 cơ quan Trung ương và 25 tỉnh, thành phố phía Bắc

Những thành tựu của Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng một xã hội học tập năng động, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Với tinh thần đổi mới và nỗ lực không ngừng, Hội tiếp tục là cầu nối vững chắc giữa tri thức và thực tiễn, đóng góp tích cực vào sự vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.

Với mục tiêu đổi mới toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, Hội tiếp tục là cầu nối trong việc kết nối tri thức, phát triển con người và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, là nền tảng vững chắc để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.