Ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện này đã tiếp tục điều trị thành công cho hai bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh thứ 3, thứ 4 bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại và ca ghép u nguyên bào thần kinh thứ 40.
Tiếp nối thành công hai ca ghép tủy đồng loại đầu tiên trên bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh, beta-thalassemia, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại cho các trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh, thể alpha-thalassemia.
Ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị các bệnh về máu
Theo đó, ca ghép thứ ba là cháu bé H.A.D. (38 tháng tuổi, quê Quảng Trị). Cháu D. được phát hiện bệnh alpha-thalassemia trong 1 năm nay trở lại đây và phải nhập viện truyền máu hàng tháng.
Sau khi xét nghiệm HLA, cháu bé được xác nhận phù hợp hoàn toàn với anh ruột 8 tuổi nên được ghép tủy vào ngày 12/11. Sau ghép, tiểu cầu phục hồi vào ngày thứ 10, bạch cầu hạt phục hồi vào ngày thứ 19.
Bệnh nhi ghép tủy được theo dõi và chăm sóc đặc biệt. |
Ca ghép thứ tư là bé Đ.M.A.T. (10 tuổi, quê TP Đà Nẵng). Cháu bé được chẩn đoán mắc bệnh Alpha-Thalassemia từ lúc 20 ngày tuổi và phải vào viện truyền máu hằng tháng.
Sau khi kiểm tra HLA, cháu bé cũng phù hợp hoàn toàn với anh ruột 15 tuổi và được tiến hành ghép tủy đồng loại vào ngày 27/11. Quá trình ghép diễn ra thành công, mặc dù cháu gặp biến chứng sốt giảm bạch cầu hạt nhẹ nhưng nhanh chóng hồi phục. Tiểu cầu phục hồi vào ngày 21 và bạch cầu hạt phục hồi vào ngày 19.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, việc điều trị thành công hai ca ghép tủy đồng loại thứ ba, thứ tư trên bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh, alpha-thalassemia là bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại.
Đánh dấu thành công quan trọng trong việc điều trị bệnh lý này, mở ra nhiều cơ hội mới cho các bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Các bệnh nhi từ nay không còn phải lệ thuộc vào truyền máu định kỳ, thải sắt hằng ngày, trẻ phát triển bình thường như những đứa trẻ khỏe mạnh khác.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, Sở Y tế Thừa Thiên Huế chúc mừng bệnh nhi xuất viện. |
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế, tan máu bẩm sinh là một bệnh lý di truyền gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Với các trường hợp nặng, trẻ phải lệ thuộc vào truyền máu thường xuyên, ứ sắt trong cơ thể, gây tích tụ sắt lên các tạng cơ thể, dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Ghép tủy đồng loại được xem là phương pháp điều trị tối ưu, mang lại cơ hội phục hồi hoàn toàn cho trẻ, giúp trẻ có thể sống khỏe mạnh mà không cần truyền máu. Thành công trong việc ghép tủy đồng loại tại bệnh viện không chỉ mang lại hy vọng cho các bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh, mà còn mở ra triển vọng điều trị cho các bệnh lý khác cần ghép tủy đồng loại, như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh và ung thư tái phát.
"Đối với việc ghép tế bào gốc đồng loại, việc tìm HLA phù hợp là một vấn đề khó khăn. Vì thế, để cho quá trình ghép tủy được diễn ra liên tục và giúp được nhiều cho các bệnh nhân tan máu bẩm sinh, bệnh viện tiến hành làm xét nghiệm HLA miễn phí cho các bệnh nhân và gia đình để tìm ra người hiến tủy phù hợp", lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.
Song song với việc triển khai ghép tủy đồng loại, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tủy tự thân thứ 40 cho bệnh nhân bị bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Đó là cháu bé Nguyễn Phước Quỳnh M. (4,5 tuổi, đến từ Tiền Giang).
Ghép tủy đồng loại được xem là phương pháp điều trị tối ưu, mang lại cơ hội phục hồi hoàn toàn cho trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh. |
Với kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân giúp kéo dài thời gian sống cho các trẻ bị bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện duy nhất trong cả nước có đầy đủ đa mô thức trong điều trị bệnh lý u nguyên bào thần kinh, gồm: hóa chất, phẫu thuật, ghép tủy và xạ trị.