Bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng

Tiền thân là khu bảo tồn thiên nhiên, dù có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức, nhưng đội ngũ viên chức Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên luôn phát huy tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, bảo vệ khu rừng đặc dụng quan trọng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên và cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng ảnh 1

Cán bộ Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng.

Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích gần 19 nghìn ha, trải rộng trên các dãy núi đá vôi của 8 xã và thị trấn huyện Võ Nhai gồm Thần Sa, Sảng Mộc, Thượng Nung, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Phú Thượng, Cúc Đường và thị trấn Đình Cả, được xem như “lá phổi xanh tự nhiên” của tỉnh Thái Nguyên.

Trong khu vực dự trữ thiên nhiên có nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ, có hệ động vật, thực vật rất phong phú, đa dạng và hệ sinh thái rừng núi đá đặc trưng, có giá trị bảo tồn cao.

Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng có 6 kiểu thảm thực vật, 1.234 loài thực vật thuộc 660 chi, 171 họ, 5 ngành và 2 lớp thực vật, trong đó ghi nhận 56 loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới thuộc đối tượng cần phải bảo tồn.

Động vật có 347 loài, 89 họ, 25 bộ, trong đó có 60 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn. Trong khu dự trữ thiên nhiên còn có hệ thống hang động, di tích lịch sử-khảo cổ học người tiền sử nổi tiếng Mái Đá Ngườm; là có vị trí quan trọng đối với an ninh, quốc phòng. Do đó, Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên.

Bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng ảnh 2
Động vật quý, hiếm tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng.

Những năm gần đây, Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng được sự quan tâm và đầu tư của tỉnh để bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng đặc trưng.

Cụ thể là nhiều chương trình, dự án quản lý, bảo vệ và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học đã được đầu tư thực hiện như: Các chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học; các dự án đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn; các chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm nhằm giảm áp lực tiêu cực đến tài nguyên rừng, góp phần ổn định đời sống cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng.

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền địa phương, ủng hộ của người dân địa phương và nỗ lực của tập thể cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng được triển khai một cách bài bản, các vụ xâm hại tài nguyên rừng giảm rõ rệt, hệ sinh thái rừng đã được bảo vệ, đa dạng sinh học được bảo tồn, phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đệm được cải thiện rõ rệt, đồng hành cùng Ban quản lý, chính quyền địa phương bảo vệ rừng.