Ngày 7/12, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại Đồng Tháp giai đoạn 2021-2026” và Lễ ký kết hoạt động hợp tác năm 2025.
Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình hợp tác công-tư nhằm thúc đẩy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cũng như các phương thức canh tác bền vững, có trách nhiệm.
Phát biểu tại hội nghị, TS Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ tiên quyết và ưu tiên của Cục Bảo vệ thực vật. Trong thời gian qua, Cục đã phối hợp với chính quyền các cấp và mạng lưới đối tác trong ngành bảo vệ thực vật xây dựng nhiều chương trình hành động, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về việc sử dụng an toàn và hiệu quả các vật tư nông nghiệp, trong đó bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật.
Sau 3 năm triển khai, sự tham gia và phản hồi tích cực của nông dân - đối tượng tiếp cận và hưởng lợi trực tiếp từ các lớp tập huấn, đã cho thấy hiệu quả và một số tác động bước đầu của chương trình, qua đó đề cao tầm quan trọng của hợp tác công - tư trong quá trình nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành canh tác an toàn.”
Đại diện CropLife Việt Nam, ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, tất cả công ty thành viên CropLife cam kết luôn tiến hành song song các hoạt động tập huấn khi giới thiệu và thương mại sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường. Điều này nhằm tối đa hóa lợi ích, công dụng của sản phẩm cũng như giảm thiểu mọi rủi ro có thể có đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường và chất lượng nông sản.
Chương trình đã mang lại sự chuyển biến tích cực trong quá trình thay đổi nhận thức của nông dân và đại lý về sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp
“Cam kết này cho thấy sức khỏe và sự an toàn của những người tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật là ưu tiên hàng đầu của CropLife cùng các thành viên cũng như thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn của chúng tôi trong việc hỗ trợ an ninh lương thực và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững", Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam bày tỏ.
Đại diện CropLife Việt Nam cũng hy vọng, thành công của chương trình hợp tác triển khai tại Đồng Tháp sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng và kêu gọi được sự tham gia tích cực hơn từ các đối tác trong chuỗi giá trị - hướng tới các mục tiêu chung về canh tác nông nghiệp hiện đại, bền vững và có trách nhiệm.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đánh giá, chương trình đã mang lại sự chuyển biến tích cực trong quá trình thay đổi nhận thức của nông dân và đại lý về sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm. Việc áp dụng các phương thức sản xuất bền vững không chỉ đem tới nhiều ý nghĩa quan trọng về kinh tế, sức khoẻ và môi trường, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản của địa phương.
"Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các bên trong thời gian tới để triển khai thêm nhiều chính sách liên quan giúp nông dân gia tăng thu nhập, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp đã đề ra.”- ông Huỳnh Tất Đạt đề xuất.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tính đến hết năm 2024, chương trình đã tổ chức tập huấn cho hơn 3.700 nông dân, gần 1.000 đại lý vật tư nông nghiệp và 100 cán bộ kỹ thuật tại tỉnh Đồng Tháp về các nguyên tắc sử dụng và buôn bán thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có trách nhiệm; cấp phát hơn 3.700 bộ đồ bảo hộ lao động cho nông dân sử dụng khi phun và pha chế thuốc.
Bên cạnh đó, ba bên cũng đã phối hợp triển khai 6 mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm trên các cây trồng chủ lực của tỉnh bao gồm lúa, hoa cảnh, sầu riêng, ớt, xoài và cây có múi, với tổng diện tích mô hình đạt hơn 350 ha và hơn 600 hộ nông dân tham gia.
Đối với đại lý thuốc bảo vệ thực vật, mức độ hiểu biết rõ về các quy định chung liên quan đến buôn bán, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói đều tăng từ 8 đến18% so với trước tập huấn
Trong các năm đầu triển khai, các bên tham gia đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh phát động “Ngày hội Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” trên địa bàn 12 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp. Chỉ trong hai năm 2022-2023, chương trình đã thực hiện 36 đợt thu gom tại các huyện và 8 đợt tại các mô hình, với tổng khối lượng thu gom đạt hơn 21 tấn bao gói.
Chương trình cũng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, phổ biến kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, thông qua phát hành nhiều tài liệu, tờ rơi, áp phích, quạt in thông tin, phát sóng chuỗi video hướng dẫn trên Đài truyền hình Đồng Tháp và lắp đặt các bộ pano tại các mô hình và các huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Năm 2024, qua thu thập dữ liệu để đánh giá tác động của chương trình đối với thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân cho thấy, chương trình đã mang lại những cải thiện đáng kể trong kiến thức, thái độ, và thực hành của nông dân cũng như đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Đối với nông dân, mức độ hiểu biết rõ về thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 6 đến 34% tùy theo chủ đề được tập huấn. Các thay đổi tích cực cũng được thể hiện qua thực hành như lựa chọn, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc; trong đó tỷ lệ nông dân chỉ mua thuốc theo kinh nghiệm hoặc thói quen giảm 21,7%.
Đối với đại lý thuốc bảo vệ thực vật, mức độ hiểu biết rõ về các quy định chung liên quan đến buôn bán, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói đều tăng từ 8 đến18% so với trước tập huấn; hơn 95% đại lý đã chủ động tư vấn nông dân sử dụng đồ bảo hộ lao động cũng như truyền đạt các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật.
Tại hội nghị, Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam tiếp tục ký kết hoạt động hợp tác năm 2025 nhằm tiếp nối và nâng cao các kết quả đã đạt được trong 3 năm qua. Trong thời gian tới, chương trình sẽ mở rộng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm sang các cây trồng chủ lực khác, đồng thời tập huấn sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc và triển khai đào tạo trực tuyến về sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
Các bên cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp xây dựng hồ sơ xin tài trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, tạo nguồn lực cho việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Những hoạt động này nhằm thúc đẩy áp dụng các cải tiến trong lĩnh vực bảo vệ thực vật một cách bền vững và có trách nhiệm.
Đại diện nhiều địa phương tại tỉnh Đồng Tháp tham dự "Hội thi Nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm" |
Trong khuôn khổ hội nghị, “Hội thi Nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm” đã thu hút sự tham gia và hưởng ứng tích cực của nông dân tại địa phương.
Hội thi không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích, có tính tương tác cao, mà còn giúp bà con nông dân ôn tập lại các kiến thức đã được tập huấn, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ gìn môi trường và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.