Trồng lanh, dệt vải là nghề thủ công lâu đời truyền thống của người H'Mông ở Hà Giang. Từ những tấm vải lanh mộc mạc, thô ráp, phụ nữ H’Mông khéo léo may trang phục quần áo cho gia đình.
Tham gia quảng bá và giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống trong Ngày hội, chị Giàng Thị Say vừa thao tác dệt lanh, vừa trò chuyện: Hợp tác xã có 29 thành viên, hoạt động gần 15 năm, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều phụ nữ trong xã. Dệt lanh là nghề thủ công gắn bó với phụ nữ H’Mông.
Chị Giàng Thị Say trao đổi quy trình dệt lanh. |
Hiện nay, dù trang phục hiện đại phổ biến và có sẵn, nhưng chúng tôi vẫn duy trì và gìn giữ nghề dệt vải lanh với tất cả các công đoạn thủ công để may trang phục truyền thống. Phụ nữ H’Mông khi đến tuổi trưởng thành, được bà và mẹ dạy dệt vải lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong và tự may trang phục cho mình.
Họa tiết trên chân váy của phụ nữ H'Mông. |
Sau một thời gian khó khăn phát triển mẫu mã, tìm thị trường tiêu thụ, hiện nay, các sản phẩm của hợp tác xã Dệt lanh Cán Tỷ đã có chỗ đứng, được nhiều người biết đến. Mở rộng, đa dạng các sản phẩm như túi đeo điện thoại, ví, ba lô, móc chìa khóa, vỏ gối, khăn trải bàn, khăn choàng với họa tiết xinh xắn, hoa văn đặc trưng đậm bản sắc văn hóa đồng bào… nhiều sản phẩm lưu niệm làm từ vải lanh được khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng. Hợp tác xã Dệt lanh Cán Tỷ đã có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP 3 và 4 sao.
Sản phẩm lưu niệm làm từ vải lanh. |
Nghề trồng lanh dệt vải không chỉ là hoạt động lao động sản xuất, mà còn là góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của người H’Mông, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ khi du lịch Hà Giang phát triển, các sản phẩm từ vải lanh được ứng dụng rộng rãi với mẫu mã cách điệu và hiện đại. Vải lanh còn là chất liệu ưa dùng để thiết kế các các sản phẩm lưu niệm, thời trang và trang trí nội thất.
Du khách hào hứng tìm hiểu nghề dệt lanh. |
Để quảng bá sản phẩm của hợp tác xã, chị Giàng Thị Say tích cực tham gia các lễ hội, hội chợ thương mại du lịch trong và ngoài tỉnh. Đây là lần đầu tiên chị tham dự giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương tại tỉnh Lạng Sơn.
Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc, khơi nguồn và phát triển
Chị cho biết: Các công đoạn để hoàn thiện một sản phẩm vải lanh vẫn được làm hoàn toàn thủ công, từ trồng cây lanh, thu hoạch, bóc tách, nấu sợi… đến dựng khung dệt. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, chúng tôi liên tục cải tiến mẫu mã, đan xen các yếu tố truyền thống và hiện đại, tạo nên những sản phẩm phù hợp với khách du lịch. Tham dự Ngày hội, chúng tôi giới thiệu đến du khách hơn 30 sản phẩm từ sợi lanh.
Các công đoạn dệt lanh đều được làm thủ công. |
Cây lanh được xem là biểu tượng văn hóa của người H'Mông. Để bảo tồn nghề dệt lanh truyền thống, Hợp tác xã Dệt lanh Cán Tỷ rất chú trọng truyền nghề cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, chính quyền, địa phương thường xuyên tổ chức lễ hội Làng nghề thêu-dệt vải lanh truyền thống dân tộc H'Mông gắn với xúc tiến thương mại, du lịch... tạo cơ hội giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc H'Mông.