Trong Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ có nội dung: “Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Thực hiện chỉ đạo này, thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai xây dựng, phê duyệt Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội”, đồng thời, bổ nhiệm nhân sự để vận hành đơn vị này.
Trung tâm vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống nền tảng dùng chung.
Tại trung tâm, toàn bộ quá trình tiếp nhận, số hóa, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan được công khai, minh bạch, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Trung tâm bảo đảm tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính phi địa giới hành chính; tiếp cận dịch vụ trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc vòng bán kính không quá 5 km, hỗ trợ thủ tục hành chính 24/7 trên môi trường điện tử, thời gian giao dịch trực tiếp không quá 15 phút mỗi hồ sơ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho biết, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là một đơn vị hành chính cấp sở, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về:
Kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết, giải quyết (đối với một số thủ tục hành chính được ủy quyền), trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố…
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng; khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu đã được cập nhật qua số hóa; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư. Quá trình này bảo đảm “3 tăng”, “3 giảm”, “3 không” gồm:
Tăng chất lượng dịch vụ, tăng minh bạch, công khai, tăng sự hài lòng và niềm tin của tổ chức, cá nhân; giảm chi phí, thời gian giải quyết, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý; không phiền hà, sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần, không có thủ tục hành chính giải quyết trễ hạn.
Việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố sẽ giúp giảm số lượng bộ phận “một cửa” từ 673 bộ phận hiện nay xuống còn 30 chi nhánh; giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” từ 2.768 nhân sự còn 184 người; qua đó, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước hơn 13,3 tỷ đồng/tháng nhờ tiết kiệm tiền trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Việc thành lập trung tâm cũng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính với mục tiêu đạt tối thiểu từ 95-100% hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch. Qua đây, tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ thay đổi tích cực hơn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội có thêm một đơn vị hành chính mới cấp sở theo chỉ đạo của Trung ương, giúp thành phố giám sát toàn bộ các thủ tục hành chính, mang lại sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời, mang lại sự phối hợp tốt hơn giữa các sở, ngành và quận, huyện.
Đây là một đơn vị chưa từng có tiền lệ, là một kết quả nghiên cứu kỹ của Ban chỉ đạo Trung ương để đưa ra mô hình này trên cơ sở đúc rút các mô hình đã triển khai từ trước đến nay về hành chính. Thành phố Hà Nội kỳ vọng vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của Hà Nội.