Với khẩu hiệu "Hòa bình với thiên nhiên", COP16 là lần đầu các nước thành viên Công ước về đa dạng sinh học (CBD) họp mặt kể từ khi Khung Ða dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) được thông qua vào năm 2022.
Quy tụ khoảng 12.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều nguyên thủ cùng hơn 100 bộ trưởng các nước, COP16 được kỳ vọng sẽ huy động sức mạnh toàn cầu trong nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học.
COP16 diễn ra trong bối cảnh tốc độ tàn phá thiên nhiên đang diễn ra với mức độ chưa từng có. Theo Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), khoảng 45.300 loài động vật và thực vật trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm 73% trong 50 năm qua. Nguyên nhân do chính các hoạt động của con người, như phá rừng, săn bắn, làm ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Ðáng lo ngại, sự biến mất của nhiều loài động vật cũng kéo theo sự tuyệt chủng tương ứng ở thực vật, do mối quan hệ hữu cơ và phụ thuộc lẫn nhau giữa động và thực vật trong tự nhiên.
Các rạn san hô toàn cầu trải qua đợt tẩy trắng lớn nhất từng được ghi nhận, khi có tới 77% diện tích san hô trên thế giới đối mặt thảm họa do nhiệt độ nước biển tăng cao.
Theo Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), khoảng 45.300 loài động vật và thực vật trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm 73% trong 50 năm qua.
Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), khoảng 850 triệu người trên thế giới dựa vào các rạn san hô để có thực phẩm, việc làm và bảo vệ bờ biển khỏi bão và xói mòn. Các hệ sinh thái này cũng là nhà của hơn 25% số loài sinh vật biển. WWF cảnh báo, hệ sinh thái đang lâm nguy và Trái đất đang tiến gần đến "điểm tới hạn".
Suy thoái môi trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, buộc nhiều cộng đồng dân cư phải di dời, đồng thời cản trở nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Vì vậy, COP16 là thời điểm mang tính quyết định trong hành trình bảo vệ thiên nhiên và cuộc sống của người dân trên khắp thế giới.
Giám đốc bộ phận hệ sinh thái của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Susan Gardner nhấn mạnh, thời gian qua, các nước đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và gần hai tuần diễn ra COP16 sẽ là cơ hội để biến những cam kết đó thành hành động.
Theo đó, tại COP16, các nước sẽ thảo luận việc thực hiện GBF. Văn kiện này đặt ra 23 mục tiêu nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030, trong đó có việc khôi phục và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và biển của hành tinh từ nay đến năm 2030 và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài động vật, thực vật do hành động của con người gây ra. Ðược coi là thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, song BBF vẫn chưa được triển khai tích cực. Nêu rõ thực tế đáng lo ngại, báo cáo Liên hợp quốc vừa công bố cho biết, đến giữa tháng 10/2024, trong số 195 thành viên CBD, chỉ 31 nước nộp kế hoạch hành động cụ thể nhằm đáp ứng các mục tiêu toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên.
Bên cạnh đó, COP16 cũng đánh giá tiến độ thực hiện cam kết của các nước giàu về cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển. UNEP ước tính, đến năm 2030, chi tiêu cho thiên nhiên cần tăng gần 3 lần mức hiện nay, lên 542 tỷ USD/năm, để ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học và đạt được các mục tiêu về khí hậu. Vì vậy, giới chuyên gia kỳ vọng các nước có thể tận dụng cơ hội tại COP16 để tìm ra đáp án cho bài toán tài chính nan giải này.
Logo của COP16 là hình bông hoa Inirida, một loài hoa được người dân Colombia coi là biểu tượng của sự bất tử. Với hình ảnh hoa Inirida, nước chủ nhà Colombia kỳ vọng, hội nghị sẽ góp phần xây dựng nên một thế giới "chung sống hòa bình với thiên nhiên".