Trong đúng dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, buổi học sáng 10/10 của cô trò trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra theo cách rất đặc biệt.
"TRÒ CHƠI" LỊCH SỬ ĐẶC BIỆT MANG TÊN... GHÉP CỘT CỜ HÀ NỘI TỪ BÁO NHÂN DÂN
Ngay từ sớm đầu ngày, cô Lộc Thị Liên, Tổng Phụ trách đội đã mang tới trường 20 tờ phụ san của Báo Nhân Dân hằng ngày, số ra 10/10/2024. Đây là phụ san đặc biệt với chủ đề Cột cờ Hà Nội; bao gồm một trang nội dung về địa danh nổi tiếng này; trang còn lại có các hình cắt dán. Sau khi xem lại lịch học, cô Liên bắt đầu chia số báo ra theo cho một số lớp có tiết học liên quan như Lịch sử, Giáo dục địa phương, Mỹ thuật.
"Hôm nay, các con sẽ cắt, dán trang báo này rồi ghép thành mô hình Cột cờ nhé. Sau đó, sẽ còn có nhiều bất ngờ dành cho các con", các thầy cô thông báo ngắn gọn khi tiết học bắt đầu.
Thấy "trò chơi" mới đầy thử thách, nhóm học sinh hăm hở bắt tay vào việc. Bạn cầm kéo, bạn đọc kỹ hướng dẫn rồi túm tụm nhau thực hành.
Học sinh trường THCS Thái Thịnh háo hức "thử sức" với phần cắt, dán và ghép hình Cột cờ Hà Nội. |
"Phải cắt như thế này mới đúng"
"Chỗ này phải cẩn thận không rách mép đó"
"Dán nhẹ tay thôi cậu ơi! không méo mất cột cờ"
Trong phút chốc, khoảnh sân khang trang rộn tiếng trẻ. Sau chừng hơn 1 giờ, một góc nhỏ vang lên tiếng vỗ tay. "Chúng em làm được rồi cô ơi". Lúc này, một mô hình nhỏ xinh của Cột cờ Hà Nội đã được tái hiện, với ngọn cờ đỏ sao vàng nhỏ xinh trên nóc.
Ngay sau khi mô hình được "thành hình", các thầy cô tiếp tục hướng dẫn học sinh tương tác với mô hình thông qua 3 mã QR. Mỗi mã QR đều cung cấp nội dung mở rộng và dẫn đến các dự án thú vị có liên quan tới Thủ đô.
Em Phạm Tùng Anh, học sinh lớp 6A5 bày tỏ: “Em cảm thấy hoạt động này vui. Khi cùng nhau làm, chúng em cũng gắn kết với nhau hơn. Sau khi tìm hiểu thêm, chúng em lại hiểu hơn những ý nghĩa gắn với địa danh này”.
Em Hoàng Khánh Chi, học sinh lớp 7A6 chia sẻ: “Hoàn thành xong mô hình, niềm tự hào về đất nước, Thủ đô trong em ngày càng được bồi đắp. Việc cắt, dán báo rất thú vị, giúp chúng em tìm hiểu về lịch sử mà không hề thấy nhàm chán”.
Niềm vui khi Cột cờ Hà Nội thành hình từ từ phụ san nhỏ. |
Cô Lộc Thị Liên cho biết, thêm: “Các đều vô cùng thích thú khi hoàn thành mô hình lịch sử gắn với địa phương mình đang sống. Thông qua việc này, nhà trường mong muốn học sinh không chỉ hiểu hơn về một kiến trúc lâu đời, mà còn cảm nhận được ý chí quật cường của quân và dân ta trong những ngày kháng chiến. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc sâu sắc”.
LAN TỎA TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC THEO CÁCH THỨC MỚI MẺ, SÁNG TẠO
Cũng theo cô Lộc, sản phẩm mới của Báo Nhân Dân đã giúp lan tỏa tình yêu đất nước tới các con theo một cách thức mới mẻ và sáng tạo.
“Các con dường như được ‘chạm’ vào lịch sử khi thực hiện cắt, dán mô hình Cột cờ Hà Nội của Báo Nhân Dân. Khi mô hình dần được hoàn thành, ai ai đều reo vui, mừng rỡ. Các con không chỉ hoàn thiện một hình mà còn được bồi đắp thêm nhiều tình yêu với mảnh đất mình đang sống”, cô Liên xúc động chia sẻ về khoảnh khắc từng học sinh khoe Cột cờ Hà Nội của chính mình.
[Ảnh] Khơi dậy niềm tự hào và tình yêu Thủ đô qua Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội
Cô Lộc Thị Liên phân tích thêm: “Giáo dục bằng hình ảnh giúp học sinh nhớ lâu hơn, tạo nhiều hứng thú để tìm hiểu thêm về sự kiện. Nếu chỉ học lịch sử, địa lý về địa phương trên sách vở, các con thường khá mơ hồ và rất nhanh quên. Tuy nhiên, khi chương trình học đan xen các hoạt động thực tế hay những trải nghiệm tương tác trực tiếp, các con lại đường hình dung thật sinh động và trực quan. Vì thế, khi nhận được phụ san, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc cho các con trải nghiệm trong ngày 10/10 đặc biệt này”.
Tiết học đặc biệt tại trường THCS Thái Thịnh ngày 10/10. |
Trong khi đó, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự bất ngờ trước những đổi thay và sáng tạo của Báo Nhân Dân trong việc tiếp cận độc giả trẻ.
“Theo tôi, phụ san Cột cờ Hà Nội là một đột phá của Báo Nhân Dân. Sản phẩm này đã làm thay đổi cách nghĩ của đối tượng độc giả trẻ và cả những độc giả trung thành như chúng tôi về tờ báo. Bên cạnh việc cắt, dán vô cùng thú vị, tôi ấn tượng với mã QR được in trong tờ phụ san. Sau khi ghép xong mô hình, các con có thể tìm hiểu ngay những thông tin liên quan về Cột cờ Hà Nội”, thầy Cường khẳng định.
Mô hình Cột cờ Hà Nội sau khi được hoàn thành. |
Theo thầy Cường, cùng với bức tranh panorama về Chiến thắng Điện Biên Phủ trước đó, Báo Nhân Dân đã cho thấy sự đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ và không ngừng của mình.
“Chúng tôi hy vọng, học sinh sẽ có thêm động lực phấn đấu, rèn luyện trong học tập. Đặc biệt, trong việc giới thiệu về Hà Nội - nơi các bạn đang sinh sống đến các địa phương khác trong và ngoài nước. Làm được điều này, điều tiên quyết là các con phải có tình yêu và kiến thức về Hà Nội. Mô hình Cột cờ sẽ được lưu giữ ở các lớp từ nay về sau”, thầy Cường chia sẻ thêm.
Tuy nhiều học sinh được trải nghiệm mô hình Cột cờ Hà Nội, nhưng các thầy cô vẫn tiếc vì biết lịch triển lãm muộn. Vì một số hoạt động trong trường, học sinh sẽ được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật nên nhà trường sẽ đăng tải thông tin về địa điểm và thời gian tổ chức triển lãm để các con cùng gia đình đến trải nghiệm.
Nhiều năm qua, thầy và trò Trường THCS Thái Thịnh cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về sự kiện lớn trong lịch sử đất nước. Điển hình như dịp tháng 10 vừa qua, nhà trường đã tổ chức cuộc thi làm video với chủ đề “Hà Nội nghìn năm văn hiến” cho các lớp. Để hoàn thành bài dự thi, các con sẽ phải tìm hiểu kỹ thông tin, ý nghĩa lịch sử, các sự kiện liên quan đến Hà Nội.