Ngày 2/10, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu công ty chủ quản của Snapchat, TikTok và YouTube cung cấp thêm thông tin về cách các nền tảng này đề xuất nội dung cho người dùng do lo ngại về nội dung "có hại" xuất hiện trên các nền tảng.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát cao nhất đối với thị trường kỹ thuật số của EU, nêu rõ 3 nền tảng này phải cung cấp thêm thông tin về thiết kế và hoạt động của hệ thống đề xuất nội dung.
Liên minh châu Âu mở cuộc điều tra diện rộng đối với TikTok
Thông thường, các nền tảng sẽ gợi ý nội dung cho người dùng và sử dụng các thuật toán để những gợi ý này phù hợp với thị hiếu từng cá nhân.
Yêu cầu kể trên được EC đưa ra theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA), buộc các nền tảng phải hành động nhiều hơn để bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
EU muốn YouTube và Snapchat cung cấp thông tin chi tiết về các thông số thuật toán mà các nền tảng sử dụng để đề xuất nội dung, khả năng những hệ thống gợi ý này làm gia tăng những nguy cơ nhất định liên quan đến trẻ vị thành niên hoặc sức khỏe tâm thần của người dùng.
Theo DSA, các nền tảng phải giảm thiểu nguy cơ phát sinh từ các hệ thống như vậy. EC cũng muốn biết 2 nền tảng đã thực hiện những bước gì để giảm thiểu nguy cơ các thuật toán giúp phát tán ngôn từ kích động thù địch và quảng cáo cho việc sử dụng ma túy.
Trong khi đó, với TikTok, EC yêu cầu cung cấp thêm thông tin về các biện pháp đã thực hiện "để tránh việc các tác nhân độc hại thao túng dịch vụ và giảm thiểu rủi ro liên quan đến bầu cử, tính đa nguyên của phương tiện truyền thông.
Snapchat, TikTok và YouTube phải phản hồi yêu cầu của EC trước ngày 15/11. Yêu cầu này là bước đầu tiên có thể mở ra một quy trình yêu cầu các nền tảng phải tuân thủ luật, được thực hiện để xác minh những nghi ngờ về hành vi vi phạm.
Theo đó, các nền tảng sẽ có thể phải điều chỉnh để giải quyết các mối quan ngại của cơ quan quản lý. EU cũng đang xem xét các hệ thống đề xuất nội dung trong các cuộc điều tra được thực hiện theo DSA đối với TikTok, AliExpress, Facebook và Instagram.