Tại hội đàm, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ; coi đây là chuyến thăm lịch sử góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam và Mông Cổ; đánh giá cao đường lối đối ngoại mềm dẻo, cân bằng, đa phương hóa, đa dạng hóa và bày tỏ ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam thông qua chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2023; chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống người dân; khẳng định Mông Cổ coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh đã chuyển lời cảm ơn tới Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ 500 nghìn USD để khắc phục thiên tai thời gian vừa qua.
Thổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh nhắc lại việc Ủy ban Liên chính phủ sẽ họp tháng 11/2024 tại Hà Nội và sẽ trao đổi các biện pháp triển khai Tuyên bố chung Việt Nam-Mông Cổ về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Mông Cổ coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực.
Tổng thống Khurelsukh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, Nhà nước và nhân dân Mông Cổ đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp thân tình, trọng thị và chu đáo; chúc Nhà nước và nhân dân Mông Cổ sẽ thực hiện thành công “Chính sách phục hồi mới” và các mục tiêu chiến lược “Tầm nhìn 2050”, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Mông Cổ.
Trong không khí tin cậy, chân thành và cởi mở, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng và hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong những năm qua.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thúc đẩy hợp tác toàn diện với Mông Cổ
Hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi và đạt nhận thức chung quan trọng về các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể nhằm triển khai các thỏa luận của lãnh đạo cấp cao, trong đó hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột, góp phần đưa quan hệ hai nước xứng tầm với khuôn khổ quan hệ mới, phù hợp với tình hình thực tế của khu vực và thế giới; nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp với các hình thức đa dạng, linh hoạt; triển khai tốt các cơ chế hợp tác và đối thoại hiện có; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tư pháp; tăng cường phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tiếp tục hỗ trợ phát triển kỵ binh - biểu tượng của quan hệ hai nước.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của mỗi bên; duy trì các cơ chế hợp tác kinh tế song phương, trong đó có cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật; tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hai nước, qua đó góp phần tăng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Mông Cổ; hỗ trợ thông tin, cơ chế, chính sách thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mỗi nước tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau, nhất là các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước; nhất trí hỗ trợ chính sách, khuyến khích doanh nghiệp hai bên đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, các khu kinh tế, công nghiệp.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tăng cường hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ cao, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, công nghệ trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác khoáng sản, chăn nuôi; cùng phối hợp tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức trong vận tải logistics; trao đổi kinh nghiệm, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, vận tải biển và hàng không.
Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng các cơ chế trao đổi chuyên gia, giảng viên, sinh viên, giao lưu sinh viên hai nước; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về cơ chế, chính sách giáo dục hai bên, ứng dụng công nghệ số trong giáo dục; tăng cường triển khai các chương trình giao lưu và quảng bá về văn hóa, lịch sử mỗi nước, thúc đẩy trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật; tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch hai bên, thúc đẩy hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân hai nước; hợp tác chặt chẽ bảo hộ công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, học tập và làm việc tại nước kia.
Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực và đánh giá cao chính sách ngoại giao cây tre mềm dẻo của Việt Nam; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ, trao đổi thường xuyên về các vấn đề an ninh, chính trị khu vực, tình hình quốc tế cùng quan tâm; tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ, diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên như Liên hợp quốc, ASEM, WTO, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)...; khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý và giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Mông Cổ về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện nhằm định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và toàn diện. Nhân dịp này, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng mời Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh sang thăm Việt Nam. Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh cảm ơn và vui vẻ nhận lời