Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng trước, lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đạt trung bình 11,56 triệu thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.
Tuy nhiên, tổng lượng nhập trong tháng đạt 49,10 triệu tấn, giảm 7% so cùng kỳ năm trước do mức tiêu thụ nhiên liệu thấp. Số liệu này cũng cho thấy lượng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm 3,1% so cùng kỳ năm ngoái xuống còn 367 triệu tấn.
Nhu cầu suy yếu không chỉ tại Trung Quốc đã khiến các nhà máy lọc dầu châu Á buộc phải cắt giảm công suất. Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects cho biết các nhà máy lọc dầu tại khu vực đã phải giảm công suất 400.000-500.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 cho đến nay và dự báo còn tiếp diễn tới cuối năm.
Áp lực trên thị trường cũng tăng mạnh sau khi báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 9 của OPEC được công bố. OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ chỉ tăng 2,03 triệu thùng/ngày trong năm 2024, thấp hơn so dự báo tăng trưởng 2,11 triệu thùng/ngày trước đó.
Đây là lần thứ hai liên tiếp nhóm xuất khẩu hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu trong báo cáo hằng tháng. OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 xuống 1,74 triệu thùng/ngày từ mức 1,78 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, trong báo cáo Triển vọng thị trường năng lượng ngắn hạn tháng 9, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng đã hạ dự báo nhu cầu năng lượng của Mỹ trong năm nay 0,2 triệu thùng/ngày xuống mức 20,3 triệu thùng/ngày.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết giá hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục biến động trong phiên giao dịch hôm qua (10/9). Đóng cửa, sắc đỏ chiếm áp đảo kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,45% xuống 2.048 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường năng lượng, giá dầu hạ xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua trước sức ép nhu cầu yếu. Bên cạnh đó, thị trường nông sản, nhất là mặt hàng đậu tương cũng trải qua phiên giao dịch giằng co và giá suy yếu đáng kể.