Đây là kết quả đánh dấu sự hợp tác giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và cũng là lần đầu tiên ngành đường sắt tham gia vận chuyển mặt hàng “khó”, phát huy tính ưu việt của đường sắt trong việc vận tải hàng đặc chủng, hàng siêu trường, siêu trọng, hàng đòi hỏi cao về bảo đảm an toàn,… bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và các điều kiện vận chuyển khí LNG.
Theo đó, chuyến tàu này chở 16 ISO Tank (khoảng 300 tấn LNG hóa lỏng), dự kiến đến Ga Đông Anh (Hà Nội) chiều 9/9. Tất cả 16 ISO Tank LNG này từ ga Đông Anh sẽ được xe chuyên dụng vận chuyển đến các nơi tiêu thụ. Các ISO Tank được nạp LNG tại Kho cảng LNG trung tâm Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), vận chuyển bằng đường bộ tới ga Trảng Bom.
Đây cũng là chuyến tàu đầu tiên PV GAS thí điểm sử dụng loại hình vận tải đa phương thức (kết hợp đường bộ, đường sắt) vận chuyển LNG từ nam ra bắc. Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (RATRACO) được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao đảm trách nhiệm vụ này.
Đây là chuyến tàu đầu tiên PV GAS thí điểm sử dụng loại hình vận tải đa phương thức (kết hợp đường bộ, đường sắt) vận chuyển LNG từ nam ra bắc. |
LNG ISO Tank là loại bồn chứa được thiết kế theo tiêu chuẩn ISO để tồn trữ khí tự nhiên được làm lạnh tại nhiệt đô âm 162°C để chuyển sang thể lỏng (LNG), thuận tiện cho vận chuyển.
Trước đó, từ tháng 3/2024, việc chuyên chở LNG bằng ISO Tank được đơn vị thực hiện chủ yếu bằng cách sử dụng xe bồn, chủ yếu cung cấp cho thị trường miền nam và các tỉnh Nam Trung Bộ. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2024, mỗi tháng, ngành đường sắt sẽ chuyên chở khoảng từ 60 đến 120 ISO Tank từ nam ra bắc.
PV GAS triển khai cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp
Lãnh đạo PV Gas cho rằng, thời gian qua, nhu cầu năng lượng phục vụ công nghiệp tại phía bắc ngày càng cao nên đơn vị đã gấp rút triển khai phương án vận chuyển LNG đa phương thức với đường bộ và đường sắt để đưa loại khí này đến các thị trường phía bắc.
Sự kiện đoàn tàu chở 16 ISO Tank LNG từ nam ra bắc đánh dấu việc PV Gas hoàn thiện chuỗi cung ứng năng lượng khí bằng đường ống, đường thủy, đường bộ và đường sắt, tạo thành một hệ thống cung ứng năng lượng toàn diện, linh hoạt và rộng khắp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Đây là tiền đề quan trọng để PV Gas phát triển các dịch vụ và hoàn thiện giải pháp năng lượng mới đa dạng, đáp ứng nhu cầu năng lượng của khách hàng, phục vụ phát triển kinh tế và xã hội. Bên cạnh nhiệm vụ mở rộng bản đồ cung của PV GAS thì hoạt động kinh doanh LNG bằng đường sắt/xe bồn còn góp phần phát triển nguồn năng lượng LNG sạch (giảm 30% lượng phát thải CO2 so với than đá và 40% so với dầu mỏ).
Chuyến tàu chở khí LNG đầu tiên. |
Tại lễ khởi hành, ông Nguyễn Phúc Tuệ, Phó Tổng Giám đốc PV Gas khẳng định, chuyến tàu chở LNG đầu tiên từ nam ra bắc là kết quả của trí tuệ, tâm huyết và quyết tâm, nỗ lực không ngừng của tập thể PV GAS. Qua đó, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Tổng Công ty tham gia vào chiến dịch đặc biệt này. "Từ chuyến khởi hành này, PV GAS sẽ mở ra nhiều cơ hội, không gian phát triển trong thời gian tới", ông Tuệ khẳng định.
Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhận định, chiến dịch triển khai mô hình kinh doanh này của PV GAS đã mở ra một chương mới của ngành vận tải đường sắt và ngành công nghiệp khí. Chuyến tàu chở LNG đầu tiên sẽ được ưu tiên lưu thông trên toàn tuyến để bảo đảm tiến độ, dự kiến lưu thông quãng đường khoảng 2.000km chỉ trong 3 ngày.