Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2024, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tại Ninh Thuận sẽ có mưa to trên diện rộng và có khả năng xảy ra từ 2-3 đợt lũ vượt báo động cấp 3 trên các sông, suối.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước, Ngô Khánh, cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, huyện đã xác định những khu vực trọng điểm, như: Thôn An Thạnh (xã An Hải); thôn Phước Khánh, Thuận Hòa (xã Phước Thuận); khu phố 2 (thị trấn Phước Dân); thôn Phước An 1 (xã Phước Vinh); thôn Từ Tâm (xã Phước Hải); bờ Sông Dinh (đoạn ngang qua xã Phước Sơn)... là những điểm thường xuyên bị ngập và gây sạt lở khi xảy ra lũ, lụt, do đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương thông báo thường xuyên về dự báo tình hình mưa, bão, lũ sẽ xảy ra trong mùa mưa năm nay, đồng thời các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng, chống cũng như các biện pháp ưu tiên cứu nạn, cứu hộ để người dân biết và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả khi xảy ra thiên tai.
Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã xây dựng phương án ứng phó cụ thể việc khoanh vùng các vị trí xung yếu trên địa bàn toàn huyện, các xã tăng cường phối hợp, vận dụng hiệu quả nguyên tắc “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (Chủ động phòng tránh; bố trí kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), huy động tổng lực về người và phương tiện tại chỗ của từng địa phương sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra trên địa bàn.
Trong năm 2024, từ nguồn vốn hỗ trợ dự phòng ngân sách trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng đã cân đối, bố trí kinh phí 120 tỷ đồng, xây dựng Dự án khắc phục sạt lở kè khu dân cư xã Cà Ná, huyện Thuận Nam và dự án khắc phục sạt lở kè tại khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải.
Dự án khắc phục sạt lở kè khu dân cư xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, được tỉnh Ninh Thuận đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng để ứng phó với thiên tai, nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân địa phương. (Ảnh:NGUYỄN TRUNG) |
Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật (Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận) Lại Nguyễn Vĩnh Phúc, chia sẻ: “Đây là 2 dự án quan trọng đáp ứng hiệu quả mục tiêu ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền, bảo vệ nhà cửa, tính mạng, tài sản của người dân, cho nên đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trình để cuối năm nay hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân”.
Cùng với đó, từ vốn cân đối ngân sách địa phương cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư 12,6 tỷ đồng, xây dựng 18 cột thu lôi chống sét tại các khu vực thường xuyên xảy ra giông, sét trên địa bàn tỉnh; 900 triệu đồng để sửa chữa mặt đê, khắc phục sạt lở bờ bắc Sông Dinh (đoạn ngang qua phường Đạo Long, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm).
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng, để nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố va đập tàu thuyền trong khu neo đậu tránh trú bão, diễn tập ứng phó sự cố mưa lũ, tràn, vỡ đập hồ thủy lợi; lắp đặt biển báo nguy hiểm tại các ao, hồ, đập, sông suối, kênh mương và những điểm có thể xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước, nhằm giúp cho người dân nâng cao khả năng ứng phó và xử lý kịp thời trước nguy cơ thiên tai.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết: Thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn tỉnh, đến nay, cơ bản các địa phương, sở, ban, ngành đã xây dựng hoàn tất các phương án cụ thể của từng cơ quan theo chức năng, quyền hạn để chủ động trong ứng phó thiên tai.
Cụ thể: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hoàn tất phương án bố trí, điều động lực lượng, phương tiện trong việc ứng cứu hộ đê, hồ đập; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, các địa phương ven biển tổ chức hướng dẫn chủ tàu thuyền, các phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản neo đậu an toàn. Sở Giao thông Vận tải cũng đã bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó khi cầu, đường có sự cố hư hỏng.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, bố trí lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, phương tiện cứu hộ sẵn sàng tham gia di dời dân ở vùng hạ lưu khi bị ngập lụt. Các huyện, thành phố triển khai rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án sơ tán dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, bão, lũ, sạt lở, vùng trũng thấp ven sông, suối...