Đặc xá nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

NDO - Theo đề nghị của Chính phủ, ngày 30/7/2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã ký Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN về đặc xá năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024). Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến 30/9/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Họp báo Công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2024.
Toàn cảnh Họp báo Công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2024.

Sáng 2/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các đồng chí: Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng chủ trì họp báo.

Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, đặc xá là một trong những chế định pháp lý quy định tại Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2018 (trước đây là Luật Đặc xá năm 2007).

Đặc xá nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại họp báo.

Từ năm 2009 đến nay, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiến hành 9 đợt đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, đặc xá cho hơn 92 nghìn phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt trở về với cộng đồng, xã hội.

Kết quả các đợt đặc xá đã bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại; được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao; tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người một cách công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng công dân, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù.

Bằng các Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, hàng chục nghìn người đã hưởng niềm vui được khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng làm lại cuộc đời. Phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp.

Đó chính là dấu ấn nhân văn lớn nhất của chủ trương đặc xá, phản ánh rõ nhất ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

15 trường hợp không được đề nghị đặc xá: Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; trước đó đã được đặc xá; có từ 2 tiền án trở lên...

Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về số lượng phạm nhân có quốc tịch nước ngoài đang thi hành án tại Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, theo thông báo của các cơ quan chức năng, hiện có 643 phạm nhân có quốc tịch nước ngoài đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ của Việt Nam.

Sau khi rà soát hồ sơ, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ có thông báo cụ thể con số phạm nhân có quốc tịch nước ngoài được đặc xá trong đợt này.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết thêm, trong đợt đặc xá năm 2022 có 16 phạm nhân có quốc tịch nước ngoài được đặc xá. Trước đó, năm 2021 có 21 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài được đặc xá.

Liên quan đến câu hỏi về việc cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh có thuộc diện được đặc xá lần này hay không? Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng cho biết, ông Chu Ngọc Anh là phạm nhân đang chấp hành án tại cơ sở trại giam của Bộ Công an; được đối xử bình đẳng như tất cả các phạm nhân khác; được xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ được đặc xá. Quá trình rà soát hồ sơ cải tạo của từng phạm nhân cụ thể mới biết được có đủ điều kiện đặc xá hay không - Thứ trưởng Công an cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về số lượng cũng như điều kiện để tội phạm tham nhũng được đặc xá, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, theo Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024, một trong những nguyên tắc thực hiện đặc xá là phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm công bằng, khách quan, công khai, minh bạch.

Tất cả những người bị kết án phạt tù về tội tham nhũng phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí, đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại, các nghĩa vụ dân sự khác và có đủ điều kiện theo Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN về đặc xá năm 2024, thuộc diện được rà soát đặc xá lần này.

Số lượng cụ thể được công bố vào dịp Quốc khánh năm nay, Thứ trưởng Công an cho biết.

Đối tượng được đặc xá bao gồm: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Về điều kiện được đề nghị đặc xá, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ điều kiện:

- Có tiến bộ, ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định;

- Đã chấp hành án phạt tù ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn;

- Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí;

- Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội tham nhũng…

Người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất một phần ba thời gian, người bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất 13 năm cũng được đề nghị đặc xá khi: Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù; người có công với cách mạng; người đang mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên; người đủ 70 tuổi trở lên; người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình...