Nghành công nghiệp bán dẫn đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí then chốt trong nền kinh tế số. Công nghệ bán dẫn được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết bị di động, công nghiệp ô-tô, công nghiệp sản xuất... Nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu… đang tích cực rót vốn đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Thời gian qua, Thủ đô đã được tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tới thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác như Nvidia, Apple, SpaceX… Một số doanh nghiệp trong nước cũng đang tích cực nắm bắt xu hướng này của thế giới. Chủ tịch Công ty FPT IS kiêm Chủ tịch FPT Semiconductor Trần Đăng Hòa cho biết, từ năm 2014, FPT đã triển khai cung cấp các dịch vụ thiết kế vi mạch. Đến nay, doanh nghiệp có khoảng 150 kỹ sư, có đơn đặt hàng 70 triệu chip…
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024 xác định, bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội. Cụ thể, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; đồng thời được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong chín năm tiếp theo. Hơn nữa, Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao.
Với vị trí chiến lược, hội tụ tốt nhất điều kiện về nguồn nhân lực, trình độ phát triển, sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền thành phố, đội ngũ doanh nghiệp FDI, Hà Nội được nhận định là một trong những tỉnh, thành phố phát triển ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn của cả nước ta. Tuy nhiên, hiện thành phố vẫn chưa khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế này. Thí dụ, trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Hà Nội hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, cả về số lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động. Trong số hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam, Hà Nội chỉ chiếm 8%, còn tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 85%. Vì vậy, thành phố cần có những giải pháp đột phá kịp thời nắm bắt cơ hội để vươn lên trên bản đồ công nghệ và bán dẫn trong nước, cũng như thế giới.
Từ ngày 29 đến 31/7, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024. Chương trình nhằm kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội và hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao…
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin (VINASA) Nguyễn Văn Khoa cho rằng, thành phố Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng cơ chế riêng để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn. Đồng thời, phải xây dựng một chiến lược dài hạn cho xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và chip ít nhất trong mười năm tới. Thành phố ưu tiên dành nguồn lực, tài lực, tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nên hệ sinh thái rộng lớn. “VINASA đã thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp Chip bán dẫn Việt Nam để giúp doanh nghiệp Công nghệ thông tin chuyển đổi thành doanh nghiệp bán dẫn nhanh nhất. Hiệp hội sẽ nỗ lực để những con chip làm ở Hà Nội được thị trường thế giới, khách hàng quốc tế chấp nhận. VINASA đã hợp tác với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cam kết đồng hành cùng thành phố phát triển chip bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh” - ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng, Hà Nội cần xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư, không chỉ khuyến khích vào công nghiệp bán dẫn mà còn cần khuyến khích đầu tư vào công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Blockchain… Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, Hà Nội phải tận dụng ngay thời điểm này để phát triển nguồn nhân lực trước khi bước vào giai đoạn dân số già. Trong đó, chuẩn bị sẵn sàng cho nguồn nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, tạo được nguồn cung cấp nhân lực ổn định, lâu dài để đáp ứng nhu cầu của ngành bán dẫn.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng khẳng định, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới; đồng thời xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thiết kế và cung ứng sản phẩm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực ■