Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải cho biết: Hiện nay, trên toàn thành phố, các cơ sở Đoàn đã duy trì và thành lập được 429 đội hình nhân dân tuần tra, tổ thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự, tổ tự quản, thu hút hơn 4.000 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Các mô hình này đã giúp các địa phương xây dựng được các “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự”, “Nhà trọ tự quản”, “Khu dân cư không có tệ nạn xã hội”, “Câu lạc bộ đội hình thanh niên phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự khu phố, ấp”,… phát động các giờ cao điểm vì an toàn, an ninh khu phố, ấp, tập trung tại các địa bàn giáp ranh, trọng điểm, tham gia phát hiện và tố giác tội phạm; đồng thời, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu về phòng, chống tệ nạn xã hội trong thanh thiếu nhi.
Thành phố Thủ Đức là cửa ngõ đông bắc Thành phố Hồ Chí Minh, là địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và Bình Dương với dân số hơn 1,2 triệu người. Trên địa bàn có gần 12.400 hộ có nhà trọ, nhà cho thuê. Với đặc thù đó, thành phố Thủ Đức đã thu hút một lượng người lao động từ các tỉnh đến làm ăn, sinh sống, học tập, từ đó dễ phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự.
Năm 2024, Công an thành phố Thủ Đức xác định các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; tội phạm và tệ nạn ma túy, từ đó các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung hướng dẫn phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, gắn với thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp. Các đơn vị đã phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong nhân dân như nhóm mô hình về Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội; Đội cán sự tình nguyện; Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ; Câu lạc bộ chủ nhà trọ phòng, chống tội phạm,…
Nhờ đó, địa phương đã chuyển hóa được nhiều địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, kiềm chế và kéo giảm tội phạm,… tình hình phạm pháp hình sự năm sau giảm hơn so với năm trước; đồng thời, tập hợp được nhiều lực lượng tham gia, phát huy được tinh thần phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm của người dân, gắn kết trách nhiệm giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Công an từ thành phố đến phường.
Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thực hiện Quyết định số 1945/QĐ-BCĐ ngày 23/2/2024 của Ban Chỉ đạo 138 thành phố về thực hiện chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự, an toàn xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã tổ chức xây dựng, biên soạn hàng trăm đầu tài liệu, các đoạn phim ngắn, phóng sự đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội.
Qua tuyên truyền, vận động, nhân dân đã cung cấp cho các cơ quan chức năng gần 16.000 tin liên quan về an ninh, trật tự, trong đó có gần 6.000 tin có giá trị. Nhờ vậy, lực lượng Công an xử lý gần 2.000 vụ việc với hơn 2.200 đối tượng vi phạm hành chính và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Hiện thành phố có 41 mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự, trong đó, có một số mô hình nổi bật mang lại hiệu quả cao về phòng, chống tội phạm như mô hình: Camera giám sát an ninh trật tự, nhà trọ công nhân tự quản, Ứng dụng Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm, Tổ nhân dân tuần tra, Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy…. Ngoài ra, thành phố hiện có 254 ban, gần 1.600 tổ và gần 7 nghìn bảo vệ dân phố, gần 500 công an xã bán chuyên trách. Lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở thường xuyên được củng cố và phát huy vai trò tự quản về an ninh trật tự.
Cùng tham gia phối hợp thực hiện công tác này, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền gắn với việc đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào, cuộc vận động khác của hệ thống chính trị thành phố nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng mọi mặt trong đời sống nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp lực lượng Công an thành phố và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm tốt tình hình an ninh, trật tự như: Tham mưu với cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm, giải quyết triệt để các vụ việc phát sinh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, phòng cháy, chữa cháy; xây dựng và duy trì các mô hình về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn dân cư...
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn cho rằng: Tại những khu vực có địa bàn trọng điểm, các mô hình tự quản, hiệu quả do nhân dân triển khai phải được phát huy một cách triệt để. Công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự, an toàn xã hội thời gian tới đòi hỏi các đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và giám sát chặt địa bàn, nhằm xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Theo đề xuất của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đơn vị tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.