Phát huy hiệu quả sổ tay đảng viên điện tử

Được triển khai từ đầu năm 2023, “Sổ tay đảng viên điện tử Thành ủy Hà Nội” đã được áp dụng rộng rãi trong Đảng bộ thành phố. Kết quả đánh giá cho thấy, phần mềm này thuận tiện và bước đầu chứng minh hiệu quả từ thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên thanh niên phường Thụy Khuê (Tây Hồ) hướng dẫn sử dụng ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử Thành ủy Hà Nội”. (Ảnh VIẾT TUẤN)
Đoàn viên thanh niên phường Thụy Khuê (Tây Hồ) hướng dẫn sử dụng ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử Thành ủy Hà Nội”. (Ảnh VIẾT TUẤN)

Từ hơn một năm nay, bà Nguyễn Quỳnh Nga, đảng viên Đảng bộ phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) có thêm phần mềm ứng dụng (app) “Sổ tay đảng viên điện tử Thành ủy Hà Nội” trên chiếc điện thoại thông minh của mình. Bà chia sẻ: “Tôi thấy ứng dụng rất tiện lợi và nhiều tác dụng. Đây như một kho dữ liệu về văn kiện, tài liệu về Đảng từ Trung ương xuống cơ sở; như một tờ báo chuyên về xây dựng Đảng, cập nhật tin tức thường xuyên và còn là nơi lưu thông tin, hồ sơ của cá nhân mình để khi cần khai giấy tờ gì có thể mở ra là xem được”.

Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc cho biết, các cấp ủy đã tổ chức 56 lớp tập huấn hướng dẫn cài đặt và ứng dụng sử dụng phần mềm cho 26.727 đảng viên bằng hai hình thức trực tiếp tại hội trường và trực tuyến từ cấp ủy cấp trên cơ sở tới trụ sở các đảng ủy cơ sở. Kết quả, Đảng bộ thành phố đã có 445.459 đảng viên được cài đặt thành công phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, đạt 92,5% so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ thành phố.

Công tác đăng tin, bài trên phần mềm bước đầu được các cấp ủy quan tâm, chỉ đạo. Tất cả các Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã thành lập Tổ biên tập tin bài, xây dựng quy chế làm việc, phân công rõ người và cơ quan chịu trách nhiệm duyệt đăng tin bài; triển khai đăng các tin bài về hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và cấp ủy các cấp; phản ánh kịp thời, chính xác các hoạt động của đảng bộ, chính quyền và các thông tin về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, tiêu biểu là các đảng bộ: Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên...

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, việc ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” trong sinh hoạt chi bộ bước đầu đạt được kết quả tốt với 130.414 cuộc họp chi bộ được tạo lập trên hệ thống, điển hình là các đảng bộ luôn đạt tỷ lệ sử dụng 100% trong các tháng gần đây; có nhiều chi bộ đã đăng tải tài liệu lên phần mềm để các đảng viên nghiên cứu trước, góp ý kiến, khi tổ chức cuộc họp không mất thời gian đọc tài liệu phổ biến cho đảng viên, chú trọng những ý kiến tham gia góp ý xây dựng chi bộ, đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; việc điểm danh, tiếp nhận góp ý của đảng viên cũng tiện lợi hơn, không mất thời gian như trước.

Việc sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” của Đảng bộ thành phố đã giúp các đảng viên dễ dàng tiếp cận với chủ trương, chính sách của Đảng, cũng như chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; nhất là trong việc cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ, đảng viên góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, ý chí và hành động. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với gần 40 cơ quan báo chí tuyên truyền các nội dung liên quan đến phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”. Đến nay, đã có 2.127.518 lượt cán bộ, đảng viên truy cập phần mềm này. Từ khi triển khai đến nay, toàn thành phố đăng tải 30.805 tin, bài trên trang thông tin điện tử tổng hợp “Sổ tay đảng viên điện tử”.

Việc cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời cho cán bộ, đảng viên rất quan trọng, nhất là với những vấn đề “nóng”, phức tạp. Khi được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, cán bộ, đảng viên sẽ là người tuyên truyền, phổ biến đến quần chúng nhân dân, định hướng tư tưởng, định hướng dư luận. Mặt khác, từ những thông tin được cung cấp, cán bộ, đảng viên có cơ sở, có kiến thức để đấu tranh với những thông tin trái chiều, những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh phản bác, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tại quận Long Biên, Ban Thường vụ Quận ủy đã linh hoạt, chủ động triển khai ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” trong sinh hoạt chi bộ. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ngô Mạnh Điềm cho hay, trong quá trình triển khai, nhiều chi bộ tổ dân phố đổi mới nội dung, hình thức bằng phương pháp trình chiếu trên màn hình đã giúp việc sinh hoạt chi bộ trở nên sinh động, không còn đơn điệu như trước đây. Đảng viên ở các chi bộ đã tích cực hưởng ứng việc triển khai ứng dụng vào sinh hoạt, điều này góp phần hiệu quả trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Nhằm nâng cao chất lượng và hoạt động hiệu quả của “Sổ tay đảng viên điện tử”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện nền nếp, bài bản phần mềm đến từng đảng viên, nâng cao nhận thức, ý thức của cấp ủy đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng. Đồng thời, các cấp ủy thường xuyên rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Biên tập phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của các cơ quan, đơn vị; tập huấn cho Tổ thư ký tin, bài phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” từ thành phố đến cơ sở. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị các đơn vị tăng cường cung cấp các thông tin, nhất là những thông tin mang tính định hướng dư luận trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao chất lượng tuyên truyền từ cơ sở.