Hiện, sen được trồng khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị. Những sản phẩm chế biến từ sen đã kết tinh thành giá trị, để rồi sen Đồng Tháp tỏa ngát hương, không ngừng vươn xa…
Biểu tượng nhận diện của Đồng Tháp
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, hai câu thơ này đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân Việt Nam. Năm nay, trong sự thành kính chung của cả nước hướng đến kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ hội sen lần thứ hai. Những ngày qua, người dân Đồng Tháp mỗi người một tay chuẩn bị cho lễ hội.
Hàng trăm cán bộ, giáo viên đã tham gia vẽ bích họa sen với 156 tác phẩm tại các điểm trường trong tỉnh Đồng Tháp. Thầy Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết: Các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã hăng hái tham gia hội thi vẽ bích họa sen, góp phần tô điểm cho cảnh sắc trường học thêm sinh động, tươi đẹp.
“Đọc sách sen” nhân lễ hội sen lần thứ hai tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp cũng mang đến cho những người yêu sen có được những kiến thức mới về loài cây thân quen này. Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp Trần Thị Mỹ Trinh cho biết, sen gần gũi với đời sống mỗi người dân; từ thân, củ, lá, hoa… của cây sen đều mang đến lợi ích thiết thực cho con người. Để bạn đọc tìm đến những kiến thức về sen, tại phòng đọc chuyên đề Nông nghiệp-Du lịch, thư viện đã trang bị các tài liệu về cây sen. Đặc biệt, từ ngày 16 đến 19/5, bạn đọc đến đây sẽ được tìm hiểu về vòng đời và giá trị cây sen thông qua bài trích, sách, báo và được trải nghiệm làm sen lụa, thưởng trà sen tìm hiểu quy trình dệt lụa tơ sen...
Sen không chỉ là cây trồng tạo cảnh quan mà còn mang lại nhiều giá trị kinh tế, đi sâu vào đời sống văn hóa và là niềm tự hào của mỗi công dân “Đất sen hồng”. Mùa nào cũng có những cánh đồng sen mênh mông, nhưng tháng 4, tháng 5 là thời điểm sen trổ nhiều nhất và đẹp nhất. Một buổi sáng sớm mới đây, chúng tôi đến xã nông thôn mới nâng cao Trường Xuân, một trong những xã có diện tích lớn chuyên canh sen của huyện Tháp Mười.
Cơn mưa đầu mùa của tối hôm trước đủ xua tan sự oi bức của những ngày nắng nóng “cháy da”. Trên cánh đồng, sen tỏa hương thơm ngát, đong đưa khoe sắc trong gió nhẹ. Anh Đào Thanh Ngài ở ấp 6B, xã Trường Xuân, tâm sự: “Tôi làm nghề trồng sen quen rồi. Có người hỏi tôi sao không chuyển sang trồng loại cây khác mà trồng sen chi cho vất vả. Có lẽ vì tôi thích cây sen, ngắm nhìn đồng sen thấy mình thoải mái hơn và cũng nhờ kiên trì với nghề trồng sen, giờ tôi trồng thêm sen lấy củ, thu nhập của gia đình cũng khá hơn…”.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 1.800 ha trồng sen với sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm; trong đó, huyện Tháp Mười chiếm hơn 30% diện tích trồng sen của tỉnh.
Sen là một trong năm ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025. Đồng Tháp định hướng phát triển sản xuất cây sen gắn với văn hóa, du lịch theo hướng bền vững, hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh; đồng thời kết hợp lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa, di tích lịch sử, ngành nghề truyền thống, lối sống của người dân địa phương…
Nâng cao giá trị cây sen
Điều kiện đất đai, khí hậu ở Đồng Tháp rất phù hợp cho cây sen và địa phương đang chú trọng phát huy giá trị từ cây này. Năm 2023, giá trị sản xuất của cây sen ở Đồng Tháp đạt hơn 19 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp) Trần Văn Nhãn cho biết, tỉnh đang đầu tư phát triển vùng sản xuất sen tập trung kết hợp với du lịch để tăng giá trị chuỗi sản phẩm của ngành hàng sen. Trong khuôn khổ Lễ hội sen lần thứ hai, ngành nông nghiệp tỉnh có không gian trưng bày giới thiệu chuỗi giá trị ngành hàng sen, sản phẩm OCOP về sen; không gian trưng bày sen quốc tế. Tại đây còn có không gian trưng bày 51 giống sen của Đồng Tháp trong 2.000 chậu bộ giống sen.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp Võ Phương Thủy cho biết: Doanh nghiệp đầu tư, chế biến từ sen và sản phẩm chế biến từ sen đang tăng dần. Hiện, địa bàn tỉnh có 38 doanh nghiệp tập trung chế biến với 120 sản phẩm từ sen, trong đó có 54 sản phẩm OCOP. Trước đây, phần lớn sản phẩm từ sen được phân phối ở các chợ nội địa, giờ sản phẩm sen Đồng Tháp đã vào cả siêu thị, nhiều sản phẩm được bán trên các kênh thương mại điện tử và xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Á.
Năm 2023, sản phẩm hạt sen sấy của Công ty TNHH một thành viên Nam Huy Đồng Tháp được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây cũng là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh Đồng Tháp tính đến năm 2023. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Huy Đồng Tháp Huỳnh Văn Hiệp chia sẻ: “Nam Huy có lợi thế là nhà máy đặt tại địa phương, nơi có rất nhiều sen, là một vùng nguyên liệu lớn của cả nước. Hạt sen sấy là một trong những mặt hàng chủ lực của công ty thời gian qua. Công ty sẽ đẩy mạnh xúc tiến nhằm xuất khẩu nhiều hơn nữa”.
Qua nhiều lần đàm phán và gửi mẫu, mới đây, Công ty cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt đã ký đơn hàng xuất khẩu củ sen đông lạnh sang Nhật Bản theo công nghệ IQF. Lô hàng xuất khẩu đầu tiên của doanh nghiệp này khoảng 15 tấn củ sen nguyên liệu cấp đông, trị giá gần một tỷ đồng. Dự kiến năm 2024, công ty sẽ tiếp tục xuất khẩu thêm cho đối tác Nhật Bản khoảng tám container củ sen đông lạnh.
Theo kế hoạch phát triển ngành hàng sen của tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2025, tỉnh sẽ có 1.400 ha trồng sen, nhưng thời điểm này, diện tích đã là 1.800 ha. Các sản phẩm được chế biến từ sen cũng đã vượt so với con số 40 sản phẩm của kế hoạch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn khẳng định: “Chúng tôi đang đi từng bước, mang tính vững chắc. Việc tổ chức lễ hội sen giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thấy rõ hơn tiềm năng vốn có về sen, qua đó, mở thêm cơ hội liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân, để sen Đồng Tháp tiếp tục tỏa ngát hương thơm và vươn xa hơn nữa…”