Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại hội trường Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà và tại 18 điểm cầu tại các nước và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)... và một số doanh nghiệp nhập khẩu tại nước ngoài.
Hội nghị góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường trong nước và quốc tế; liên kết với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước thông qua hệ thống Tham tán thương mại; Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; trên các Sàn thương mại điện tử lớn có uy tín trong và ngoài nước.
Qua đó tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; liên kết, hợp tác, đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu "Vải thiều Thanh Hà - Hải Dương" trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đại diện thương vụ Việt Nam tại thành phố Houston (Mỹ) tham gia thảo luận tại hội nghị về các giải pháp tiêu thụ vải thiều và hàng nông sản. |
Vải thiều là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hải Dương. Trong những năm qua, cây vải luôn có một vị trí quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương; là một trong 8 loại nông sản chủ lực của tỉnh; được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chăm sóc theo quy trình Viet GAP, Global GAP; đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và xuất khẩu…
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 8.850ha vải; gồm 2.700ha vải sớm và 6.100ha vải thiều chính vụ. Trong đó, riêng huyện Thanh Hà có hơn 3.285ha vải thiều và 1.950ha vải sớm..
Khu vực trồng vải thiều xuất khẩu ở huyện Thanh Hà. |
Về quy trình sản xuất, Hải Dương hiện có 52 vùng đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Trong đó có 41 vùng theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Thanh Hà có 37 vùng, thành phố Chí Linh có 2 vùng, huyện Ninh Giang có 2 vùng) với tổng diện tích là 500ha.
11 vùng GlobalGAP (huyện Thanh Hà có 10 vùng, thành phố Chí Linh có 1 vùng) với tổng diện tích là 110ha.
Sản phẩm tại các vùng này đáp ứng đủ điều kiện để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Các vùng sản xuất còn lại cơ bản đều được sản xuất theo quy trình an toàn.
Hải Dương hiện có 198 mã số vùng trồng, tương ứng 1.124,85ha. Trong đó: Thanh Hà có 167 mã, tương ứng 720,85ha; Chí Linh có 25 mã, tương ứng 384ha; Ninh Giang có 6 mã, tương ứng 20ha.
Toàn tỉnh đã có 21 mã cơ sở đóng gói vải xuất khẩu, tập trung chủ yếu ở Thanh Hà, trong đó có 2 mã xuất Nhật Bản, 1 mã xuất Mỹ, 2 mã xuất Úc, 2 mã xuất NewZeland, 1 mã xuất Thái Lan và 13 mã xuất Trung Quốc.