Cảnh giác chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, chủ quan của người dân, nhiều đối tượng đã sử dụng công nghệ, chiêu trò để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù đã nhiều lần cảnh báo, nhưng thực trạng này vẫn diễn ra phổ biến nên cần các giải pháp quyết liệt hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng tạm giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền.
Cơ quan chức năng tạm giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền.

Đầu năm 2024, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện nhóm đối tượng nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân ở nhiều địa phương trên cả nước thông qua dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền. Qua điều tra và triệt phá băng nhóm này, các cơ quan chức năng xác định các đối tượng cầm đầu đã thuê nhân viên gọi điện thông qua internet, cuộc gọi được mã hóa, số điện thoại hiển thị bên người nghe là số điện thoại không có thật để thông báo đến các nạn nhân là khách hàng “may mắn” trúng thưởng các phần quà có giá trị như xe máy, điện thoại,...

Ðể nhận quà, nạn nhân phải mua sản phẩm do các đối tượng bán để “nhận mã trúng thưởng” hoặc phải nộp một số tiền gọi là “chi phí nhận quà”. Khi nạn nhân đồng ý mua sản phẩm hoặc nộp tiền, các đối tượng đóng gói hàng hóa, giả thông tin trúng thưởng giao cho nạn nhân bằng dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền. Nạn nhân sau khi nhận hàng, trả tiền hoặc đóng tiền “chi phí nhận quà” sẽ tiếp tục bị các đối tượng lừa đóng thêm các loại “phí” khác cho đến khi không còn khả năng đóng thêm thì các đối tượng sẽ cắt liên lạc.

Theo cơ quan chức năng, một nhân viên thực hiện trung bình 300 cuộc gọi/ngày để thực hiện hành vi lừa đảo. Với hành vi bất chính này, nhóm đối tượng này đã lừa đảo hàng nghìn người tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thu lợi bất chính hơn hai tỷ đồng mỗi tháng.

Thời gian qua, Công an thành phố và các địa phương cũng liên tục cảnh báo về tình trạng một số đối tượng mạo danh cán bộ công an gọi điện thoại hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID để lừa đảo và nhiều người đã sập bẫy. Các đối tượng gọi điện thoại lừa đảo lợi dụng việc một bộ phận người dân nắm bắt chưa đầy đủ thông tin liên quan việc cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử để gửi link qua các ứng dụng mạng xã hội dẫn dụ người dân truy cập và cài đặt phần mềm VNeID giả mạo. Khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, các đối tượng lừa đảo được cấp quyền truy cập đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP… nên kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại người bị hại, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Như trường hợp của chị L.K.Q. (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) khi nhận cuộc gọi từ số điện thoại xưng là cán bộ công an yêu cầu đăng ký lại thông tin định danh mức 2 (VNeID) đã làm theo dẫn đến việc mất tiền. Ðối tượng này, thậm chí còn đọc đúng thông tin trên căn cước của chị Q. để tạo lòng tin và yêu cầu chị Q. làm theo những gì đối tượng này yêu cầu. Kết quả, đến khi tài khoản bị trừ 1,5 tỷ đồng, chị Q. mới giật mình và báo sự việc với cơ quan công an.

Còn tại thành phố Thủ Ðức, thời gian gần đây nổi lên tình trạng chiêu trò lừa đảo mới của tội phạm. Người dân bất ngờ được dịch vụ giao hàng gọi điện để giao bưu phẩm tại nhà. Khi người nhận mở bưu phẩm thì phát hiện bên trong có tờ thông báo trúng thưởng. Ðể nhận thưởng, người nhận phải quét mã QR trên thông báo, dẫn vào đường link lạ để khai báo thông tin cá nhân.

Ðại diện Công an thành phố Thủ Ðức khuyến cáo, đây là hình thức lừa đảo mới xuất hiện rất dễ khiến người dân dính bẫy. Ðể tránh bị lộ, lọt thông tin cá nhân và nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, không truy cập vào đường link sau khi thấy mã QR có trên thông báo. Khi thấy tình trạng này, người dân cần nhanh chóng báo tới cơ quan công an gần nhất để phối hợp điều tra. Tương tự, khi nhận được các cuộc điện thoại giao hàng, người dân cần hỏi rõ hàng đó là gì? Ai là người gửi? Gửi từ đâu? Người dân tuyệt đối không nhận bưu phẩm mà mình không đặt, không biết rõ nguồn gốc.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đối với ứng dụng VNeID, lực lượng công an các địa phương chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân; không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại hoặc tin nhắn. Các cuộc gọi điện thoại, liên lạc qua mạng xã hội yêu cầu kích hoạt đều là giả mạo với mục đích lừa đảo.

Người dân tuyệt đối không cài đặt ứng dụng này từ nguồn ngoài, từ các đường dẫn lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị; không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại. Ðối với các cuộc gọi điện với mục đích lấy thông tin cá nhân, người dân cần cẩn trọng khi trả lời hoặc yêu cầu từ phía các đối tượng để không rơi vào bẫy lừa đảo của bọn lừa đảo.

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các đợt tuyên truyền, tập huấn,... cho người dân, các cơ quan, đơn vị để nắm được thực trạng và nâng cao sự hiểu biết. Theo thống kê, mỗi năm, trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra hàng trăm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng nên hoạt động tuyên truyền, cảnh báo cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài bởi thực tế các đối tượng vẫn thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo, số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Công an thành phố đề nghị người dân ghi nhớ, thực hiện tốt khẩu hiệu: “2 phải 4 không” để phòng, chống, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản. Trong đó, “2 phải” là phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân; phải liên hệ với công an khi có nghi ngờ. “4 không” là không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin của người lạ; không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc; không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội; không được cung cấp các thông tin cá nhân và không chuyển khoản cho người lạ khi chưa kiểm chứng.