Xung đột khu vực Trung Đông không ngơi nghỉ
Kể từ khi cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel nổ ra trong ngày 7/10/2023, tình hình chính trị tại khu vực Trung Đông cho đến nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Căng thẳng một lần nữa bùng lên khi mới đây, trong đêm ngày 13/4, Iran đã tiến hành cuộc tấn công vào Israel, nhằm trả đũa đối với hành động quân sự của Tel Aviv đối với đại sứ quán Iran ở Syria.
Sự tham gia trực tiếp của Tehran khiến thị trường lo ngại hoạt động xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của nước này sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trái ngược với các lo ngại của thị trường, giá dầu mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức biến động không quá mạnh, thậm chí chịu áp lực khá rõ. Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu WTI kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 15/4 với mức giảm 0,29% xuống 85,41 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,39% xuống 90,10 USD/thùng.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Hành động của Iran đã được cảnh báo từ trước, cuộc tấn công không mang tính bất ngờ nên các tác động đã được phản ánh vào giá trước đó. Hơn nữa, sự kiềm chế của các bên liên quan cũng giúp hạ nhiệt thị trường”.
Ngay sau khi căng thẳng nổ ra, Israel tạm thời không cho thấy dấu hiệu muốn đẩy xung đột leo thang hơn. Ở phía ngược lại, Iran cũng nhấn mạnh sẽ không tiến xa thêm nếu Israel không vượt qua “lằn ranh đỏ” một lần nữa.
Ngoài ra, dòng chảy dầu thô từ Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu bị tác động. Tuy nhiên bất kỳ hành động làm gia tăng căng thẳng nào từ một trong hai phía, kéo lan sự ảnh hưởng sang ngành công nghiệp dầu mỏ tại khu vực, đều có thể đẩy thị trường vào một cơn khủng hoảng mới.
Các kịch bản khả dĩ cho giá dầu trong năm nay?
Kể cả không nhắc đến rủi ro địa chính trị, thị trường dầu thô vốn đã rất nóng trước động thái “siết van bơm” của OPEC+. Theo báo cáo tháng 4 từ Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), thị trường sẽ thâm hụt 940.000 thùng/ngày trong quý hiện tại và giá dầu WTI duy trì mức đỉnh khoảng 85 USD/thùng trong giai đoạn quý II và quý III trước tác động trên.
Hiển nhiên, không thể loại bỏ rủi ro địa chính trị ra khỏi thị trường khi đây là yếu tố tác động rất mạnh lên giá dầu. Ông Nguyễn Đức Dũng cho rằng xu hướng của giá dầu sẽ phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng tại Trung Đông với hai kịch bản có thể xảy ra.
Trong kịch bản đầu tiên, căng thẳng giữa Iran và Israel dần hạ nhiệt, giá dầu sẽ quay trở lại tuân theo yếu tố cung cầu, với trọng tâm là chính sách sản lượng của OPEC+. Bước vào giai đoạn tiêu thụ cao điểm mùa hè, giá dầu Brent vẫn có thể ổn định ở vùng trên 80 USD/thùng.
Đối với kịch bản tiêu cực hơn, giá dầu có thể chạm ngưỡng ba con số nếu Israel đối đầu trực diện với Iran. Đương nhiên, các cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran sẽ không nằm ngoài tầm ngắm nếu Israel thực hiện các cuộc trả đũa. Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ không để đồng minh số 1 của mình tại Trung Đông đơn độc nếu căng thẳng leo thang.
Ở phía ngược lại, Tehran coi eo biển Hormuz, huyết mạch đối với dòng chảy của khoảng 20 triệu thùng dầu thô mỗi ngày ra thế giới, là “quân át chủ bài” để đối đầu trực tiếp với Washington. Trong bối cảnh tình hình tại Biển Đỏ vẫn bất ổn, việc cửa ngõ giao thương Hormuz gặp thách thức hay thậm chí bị đóng cửa thì “cơn ác mộng” thực sự sẽ xuất hiện trên thị trường dầu thế giới.
Mặc dù kịch bản tiêu cực này khá khó có thể xảy ra vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế các nước tại chính khu vực. Ngoài ra, các quốc gia xuất khẩu sẽ khó có thể chấp nhận giá dầu neo mức cao trong thời gian dài vì điều này có thể gây đứt gãy nhu cầu. Vậy nên OPEC+ có thể sẽ can thiệp giúp hạ nhiệt thị trường với hơn 5 triệu thùng/ngày công suất dự phòng hiện có.
Tuy nhiên, sự cảnh giác là điều không thừa, khi tình hình chính trị còn nhiều bất định. Hơn nữa, tâm lý của thị trường cũng có thể đẩy giá lên cao trong ngắn hạn nếu tình hình xấu đi, và nền kinh tế thế giới khi đó cũng sẽ khó tránh khỏi hệ lụy.
Giá dầu, lạm phát và câu chuyện tỷ giá
Giá dầu luôn gắn liền với tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Oxford Economics ước tính rằng giá dầu tăng 10 USD/thùng sẽ làm lạm phát toàn cầu tăng 0,29 điểm phần trăm vào năm 2024. Rủi ro giá dầu tăng vì thế sẽ là một trở ngại trong chặng cuối cuộc chiến chống lạm phát của các Ngân hàng Trung ương.
Đặc biệt đối với Mỹ, kỳ vọng về thời điểm xoay trục chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bị đẩy lùi sau khi lạm phát tăng vượt dự báo trong tháng thứ 3 liên tiếp, với 60% đóng góp từ giá năng lượng tăng và giá nhà ở.
Bank of America và Deutsche Bank thậm chí dự đoán sẽ chỉ có 1 lần cắt giảm lãi suất vào tháng 12 thay vì 3 lần. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong kịch bản thứ hai, khi giá dầu thế giới chạm ngưỡng 100 USD/thùng. Đồng USD cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ.
Việt Nam cũng sẽ chịu sức ép không nhỏ dưới tác động từ thị trường năng lượng và tài chính toàn cầu. Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Dũng, tỷ giá của Việt Nam được dự báo sẽ neo ở mức cao trong ngắn hạn, dưới áp lực từ việc đồng USD tăng giá và thời điểm hạ lãi suất của FED hiện đang bị đẩy lùi.
Tuy nhiên, nhìn nhận tích cực thì với việc duy trì mức lãi suất thấp xuyên suốt trước đó, áp lực tỷ giá của Việt Nam có thể sẽ hạ nhiệt về giai đoạn nửa cuối năm, tiệm cận dần với thời điểm FED nới lỏng chính sách. Ngoài ra, nguồn cung ngoại hối đến từ hoạt động xuất nhập khẩu, với con số 8,08 tỷ USD xuất siêu trong quý đầu năm, cũng sẽ là yếu tố giúp giảm bớt áp lực đối với Ngân hàng Nhà nước trong mục tiêu bình ổn tỷ giá.