Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

NDO - Ngày 28/3, tại Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý di sản, văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh tọa đàm.
Toàn cảnh tọa đàm.

Có thể thấy, sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa năm 2001 được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung (năm 2009), sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta đã ngày càng được quan tâm, nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân khắp mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể, đòi hỏi cần phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội.

Phát biểu khai mạc tọa đàm góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là cơ sở để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Quá trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị từ lâu, qua nhiều vòng, nhiều bước, nhằm tiến tới có được một luật hoàn chỉnh nhất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước hiện nay và những năm tiếp theo.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần thứ năm. Với tư cách là một hội xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm nhằm góp ý thêm vào Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trên cơ sở này, Hội sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi tới các cơ quan có liên quan.

Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu.

Tham dự tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực, cụ thể cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), xoay quanh các nhóm vấn đề về hệ thống khái niệm, định nghĩa liên quan di sản văn hóa; việc nhận diện, ghi danh các di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị; cơ chế hợp tác công-tư, huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản; việc kinh doanh cổ vật…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, liên quan vấn đề mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, nên bổ sung điều luật quy định về việc tham gia các công ước quốc tế về di sản văn hóa, trong đó có các công ước, hiến chương, khuyến nghị… về bảo vệ cổ vật để làm cơ sở cho việc thành lập một tổ chức chuyên trách chuyên nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ các cổ vật của nước ta bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và hiện nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài đang nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân, từ đó chủ động đấu tranh hồi hương các cổ vật, bớt bị động như thời gian qua.

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan cho rằng, đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, dự thảo Luật cần xem lại cách phân loại các loại hình. Công ước 2003 của UNESCO chia di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình/lĩnh vực, bao gồm: các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống. Trong khi đó, dự thảo Luật chia thành 6 loại hình/lĩnh vực, tách lễ hội truyền thống thành mục riêng, trong khi lễ hội truyền thống phải gắn chặt với tín ngưỡng, không thể bóc tách lễ hội truyền thống ra khỏi tín ngưỡng, độc lập với tín ngưỡng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, cũng nên có thêm mục “Và các lĩnh vực khác” để bao quát hết sự đa dạng của di sản văn hóa phi vật thể.

Nhiều đại biểu có chung ý kiến, không nên tách riêng di sản tư liệu thành một chương riêng ngang với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Bởi dù tồn tại dưới hình thái nào thì di sản tư liệu cũng thuộc lĩnh vực vật thể hoặc phi vật thể. Về mặt thực tiễn, phần lớn di sản tư liệu là những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc là một bộ phận trong di tích, một số khác nằm trong các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng và sưu tập tư nhân. Việc tách ra thành một loại riêng khiến nhiều quy định về di sản tư liệu trùng lặp với quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…

Tiến sĩ Hạ Thị Lan Phi, nghiên cứu viên chính Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất, liên quan các quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, cần bổ sung điều luật bảo vệ những “báu vật nhân văn sống” là những nghệ nhân đang sở hữu những kỹ năng, kỹ thuật thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, thông qua các biện pháp như vinh danh, cấp giấy chứng nhận, cấp kinh phí hỗ trợ hàng năm...

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kiến nghị nên bổ sung thêm việc xây dựng bảo tàng số về di sản tiêu biểu quốc gia trên các lĩnh vực như ẩm thực, trang phục, cổ vật, tư liệu, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn… để phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới cũng như làm tư liệu sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa.