Nhiều mô hình hay để phát triển giáo dục và đào tạo

Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và chủ đề tư tưởng “Sống có trách nhiệm”. Bước đầu, toàn ngành đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố lớn, năng động, trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, có số lượng dân cư đông đúc, có quy mô học sinh, sinh viên lớn. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của địa phương này bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vươn tới hội nhập quốc tế, trở thành những công dân của kỷ nguyên mới.

Thực hiện Nghị quyết số h29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chương trình hành động số 46- CTrHĐ/TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã không ngừng triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và chủ đề tư tưởng “Sống có trách nhiệm” trong toàn ngành.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, thành phố có hơn 2.300 trường học. Đến nay, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã tích cực thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho học sinh, sinh viên cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; nâng cao tinh thần yêu đất nước, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Các nhà trường, cơ sở giáo dục đã có những tấm gương cán bộ, giáo viên không ngừng đổi mới sáng tạo và đạt được thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục, dạy học với những sáng kiến, kinh nghiệm có giá trị. Các trường học quan tâm, xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; đồng thời, tổ chức đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong nhà trường phù hợp từng lứa tuổi với nhiều nội dung, hình thức phong phú nhằm tập hợp, thu hút học sinh tham gia, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Triển khai sâu rộng cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và chủ đề tư tưởng “Sống có trách nhiệm” đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thành phố được tham gia nhiều sân chơi văn hóa lành mạnh, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao, có cơ hội học tập trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm đội ngũ.

Ngoài ra, các trường còn chú trọng trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh, làm cho việc học tập trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Đạt được kết quả nêu trên, ngành giáo dục và đào tạo thành phố thực hiện và triển khai trong toàn ngành phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” đã giúp đội ngũ ngày một sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy và năng lực chuyên môn của giáo viên.

Thông qua các môn học, qua hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt câu lạc bộ đội, nhóm, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã tổ chức lồng ghép, triển khai các phong trào thi đua. Các trường học cũng triển khai và hướng đến xây dựng “Trường học hạnh phúc” nhằm xây dựng môi trường giáo dục mà ở đó học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được hiểu và được có giá trị.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tập trung thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo đó, ở các đơn vị trường học, việc thực hiện học tập và làm theo Bác là đợt sinh hoạt chính trị và tích cực tự giác thực hiện thông qua việc 100% các cán bộ, giáo viên, nhân viên là đảng viên đã thực hiện đăng ký “Sổ tu dưỡng rèn luyện”. Nội dung học tập và làm theo Bác được triển khai có hiệu quả theo chủ đề từng tháng, từng quý.

Đặc biệt, nghiên cứu và học tập lời dạy của Bác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đạo đức nhà giáo được triển khai bài bản, chất lượng hiệu quả đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh. Đồng thời, ngành giáo dục thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, xác định chủ trương “Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác” là nhiệm vụ mang ý nghĩa to lớn, quan trọng, có tính giáo dục cao đối với đội ngũ giáo viên và học sinh và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Lãnh đạo tất cả các cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục chỉ đạo duy trì, thực hiện nghiêm túc hoạt động sinh hoạt chào cờ đầu tuần kết hợp kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sáng thứ hai hằng tuần.