Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân năm 2024 từ 95% trở lên.
0:00 / 0:00
0:00
Khảo sát thi công tại Dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, khu vực quận Gò Vấp.
Khảo sát thi công tại Dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, khu vực quận Gò Vấp.

Thành phố đề ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông đô thị, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách.

Khâu yếu vẫn là quỹ nhà tái định cư

Qua rà soát, thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đối với các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố khoảng 24.252 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Thủ Đức có số dự án phải đền bù giải phóng mặt bằng nhiều nhất với 29 dự án, tổng số vốn là 9.317 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho hay: Năm nay, huyện có 7 dự án phải bồi thường, giải phóng mặt bằng sử dụng vốn đầu tư công. Đơn cử, hai dự án quan trọng sắp triển khai, đã được ghi vốn là dự án cầu Rạch Tôm và dự án chống sạt lở kè kênh Cây Khô với 55 hộ dân có nhu cầu tái định cư, trong khi hiện nay quỹ nhà tái định cư vẫn chưa có. Đây cũng là một trong những vướng mắc của huyện nhiều năm nay vì quỹ nhà, đất tái định cư là điều kiện quan trọng để vận động, thuyết phục người dân trong vùng dự án ủng hộ chủ trương giao đất cho chính quyền địa phương. Theo ông Nguyễn, để tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công về bồi thường hiệu quả cần nhiều yếu tố, trong đó bước chuẩn bị hồ sơ thu hồi đất và bồi thường phải chặt chẽ, chính xác, đúng pháp luật; mấu chốt là phải có điều tra, khảo sát, kiểm đếm từ sớm. Bên cạnh đó, công tác bố trí tái định cư là khâu quan trọng, cần phải được quan tâm từ đầu, trong khi hiện nay một số quận, huyện chưa bảo đảm quỹ nền tái định cư. Do đó, rất mong thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan quan tâm bố trí quỹ nền, tạo cơ chế linh động hơn trong điều chuyển, sử dụng quỹ nền theo thực tế.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn cho biết: Huyện có 7 dự án liên quan thu hồi đất và giải phóng mặt bằng với nguồn vốn đầu tư công khoảng 670 tỷ đồng. Đây hầu hết là các dự án dân sinh, làm hạ tầng, cải tạo kênh như dự án kênh T1, dự án rạch Trưng Nữ Vương là các dự án cấp thiết nằm trong kế hoạch khởi công của năm nay.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân Quận 8 cho hay: Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi có mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, với hơn 1.000 hộ dân bị giải tỏa vừa được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, rất cần thành phố và các sở, ngành chủ động hỗ trợ cho địa phương quỹ nhà tái định cư.

Phát huy vai trò người đứng đầu

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công cho Thành phố Hồ Chí Minh 79.000 tỷ đồng, cao hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2023. Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân thành phố vừa ban hành cũng nhấn mạnh các sở, ban, ngành thành phố nâng cao năng lực, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư công; rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công-dự toán; tránh xảy ra tình trạng phải thực hiện trình, thẩm định nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thực hiện, giải ngân của dự án.

Một trong những dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công lớn là dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Hạ tầng đô thị) - chủ đầu tư cho biết, hiện nay 10/10 gói thầu đã được triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Về công tác giải ngân, ông Dũng cho hay, trong hai năm 2022 và 2023, dự án đã giải ngân hơn 3.600 tỷ đồng; dự kiến năm 2024 giải ngân 2.300 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành công trình như tiến độ đề ra để sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách thành phố.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án trọng điểm đang triển khai với tổng số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, nguồn vốn được giao năm 2024 cho Ban Giao thông trên 12.800 tỷ đồng, trong đó khoảng 2.000 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, còn lại là xây lắp. “Để bảo đảm kế hoạch giải ngân từ nay đến cuối năm, Ban Giao thông sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết tổng nguồn vốn như vốn ngân sách, vốn chi giải phóng mặt bằng, xây lắp… để từ đó cân đối, phân kỳ và sử dụng hiệu quả. Mục tiêu đến cuối năm 2024, Ban Giao thông giải ngân 95% tổng số vốn”, ông Phúc dự tính.

Qua Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phương án phân bổ hết số vốn Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân thành phố giao; bám sát, định kỳ giám sát, đôn đốc thực hiện Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư dự án đối với các hồ sơ trình chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định pháp luật, bám sát giá thị trường, bảo đảm tính khả thi và sát với thực tế triển khai, tránh tình trạng sau khi phê duyệt dự án, người dân không đồng ý hợp tác, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, với tiến độ thành phố đề ra phải giải ngân trong tháng 6 các dự án đã ghi vốn, chính quyền các địa phương cần tập trung công tác lãnh đạo và thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng sớm theo khoản 2 Điều 67 của Luật Đất đai, trong đó địa phương vận động người dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án ủng hộ chủ trương, chấp thuận cho đo đạc, kiểm đếm trước khi ban hành thông báo thu hồi đất. Như vậy, cách triển khai các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2024 sẽ thực hiện tương tự như dự án đường vành đai 3 nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư có nguồn vốn ngân sách ■