Thừa Thiên Huế hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương

Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sân khấu hóa tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn tại di tích Ngọ Môn. (Ảnh LÊ HOÀNG)
Hoạt động sân khấu hóa tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn tại di tích Ngọ Môn. (Ảnh LÊ HOÀNG)

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã là đích đến không còn xa.

Tạo thế và lực mới

Là địa phương có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, ngày càng khẳng định được vị thế bằng những cách làm mới, sáng tạo và khác biệt, Thừa Thiên Huế xác định xây dựng và phát triển tỉnh phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Những công trình trọng điểm mà tỉnh đang quyết liệt triển khai đồng bộ để sớm hoàn thành trong năm 2025 như: cầu qua cửa biển Thuận An, cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương cùng các dự án mở rộng, phát triển đô thị Huế và các thị xã…

Sau hơn một năm thi công, công trình cầu vượt bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng mở rộng (thành phố Huế), với kinh phí đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng đang dần thành hình; trong đó, giai đoạn một hơn 1.855 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Sau khi hoàn thành, cầu sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc, giảm tải lưu lượng cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm thành phố Huế. Ngoài ra, cầu còn giúp hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây thành phố Huế; phát triển kinh tế-xã hội, du lịch dịch vụ, cải thiện đời sống dân sinh.

Theo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, công trình hiện đã hoàn thành hơn 30% khối lượng công việc, hoàn thành 90% mố cầu phía bắc sông Hương, khoan nhồi cọc B1, B2, B3. Trên công trường, nhà thầu đã dựng một cầu sắt rộng hơn một mét để thuận tiện cho công nhân đi lại hai bờ sông Hương; đồng thời trên cầu tạm lắp đèn tín hiệu, cảnh báo thuyền rồng chở khách du lịch qua lại. Trên công trường hiện có hơn 160 công nhân ngày đêm thi công. Công trình dự kiến hoàn thành sau ba năm thi công song nhà thầu đặt mục tiêu cuối năm 2024.

Tại công trình cầu bắc qua cửa biển Thuận An nối phường Thuận An và xã Hải Dương (thành phố Huế) cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, dần hình thành diện mạo ở ngõ phía đông của tỉnh. Không lâu nữa, khi cây cầu hoàn tất sẽ hình thành tuyến đường ven biển, một động lực để phát triển kinh tế-du lịch. Ngư dân Nguyễn Viết Phong (ở xã Hải Dương) ngày ngày trông chờ công trình hoàn thành. Đây cũng là mong đợi của hàng nghìn người dân phường Thuận An và xã Hải Dương khi được tái lập sau hơn một thế kỷ kể từ khi mở ra cửa biển Thuận An.

Ông Phong tâm sự: "Nhân dân hai làng chúng tôi cùng một ngài khai canh, bên Hải Dương là Thai Dương Hạ thượng giáp, còn Thuận An là Thai Dương Hạ hạ giáp. Lúc xưa cửa biển Thuận An chưa mở thì hai làng như là một. Kể từ năm 1909, cửa biển mở ra, chia cắt hai làng. Khi cầu Thuận An hoàn thành thì hai làng sẽ trở thành một".

Niềm vui của bà con ngư dân vùng biển cũng như nhân dân trong tỉnh dựa trên đồ án quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà tỉnh đã nhiều lần tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân, chuyên gia. Trong đó, sáp nhập Hải Dương và Thuận An thành một phường trực thuộc quận phía nam sông Hương trong mô hình Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, đây là một hợp phần rất quan trọng trong đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hình hài của thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai đã lộ rõ. Dự kiến khu vực phát triển đô thị tập trung chủ yếu nằm giữa phá Tam Giang và đường cao tốc bắc-nam, chủ yếu mở rộng đô thị trung tâm thành phố Huế, Tứ Hạ (Hương Trà), Phú Bài (Hương Thủy) và các thị trấn trung tâm huyện. Không gian đô thị sẽ kế thừa và phát triển mô hình chuỗi đô thị di sản-văn hóa-cảnh quan nhằm phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành đô thị phát triển bền vững.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phương, Thừa Thiên Huế được biết đến là "Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố văn hóa ASEAN", "Thành phố bền vững môi trường ASEAN", "Thành phố xanh quốc gia". Vì vậy, thách thức đặt ra cho tỉnh trong quá trình phát triển thành phố trực thuộc Trung ương là phải làm sao để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản; giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương; giữ được các thương hiệu mà Thừa Thiên Huế đã dày công xây dựng và định vị.

Thừa Thiên Huế hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 1
Định hướng đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. (Ảnh LÊ HOÀNG)

Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trần Hữu Thùy Giang cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, mục tiêu tổng quát là Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thừa Thiên Huế là xây dựng đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển, xây dựng công viên đầm phá quốc gia. Tỉnh sẽ là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa-du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị thông minh bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của đô thị Huế; đóng vai trò đô thị trung tâm kết nối trong vùng duyên hải miền trung, vùng động lực miền trung; có năng lực cạnh tranh và thương hiệu ở tầm khu vực, quốc tế.

Bên cạnh đó, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ có bước "lột xác" về hình hài khi có ba trung tâm đô thị, gồm TP Huế (được chia thành hai quận ở phía bắc và phía nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà. Với quy hoạch này, quận phía bắc và quận phía nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ.

Quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực. Thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh. Quy hoạch cũng nêu cụ thể những phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn; phát triển các khu chức năng; khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phương án phân bổ, khoanh vùng sử dụng đất đến năm 2024…

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu chia sẻ: "Chúng tôi luôn ý thức sâu sắc rằng, di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của tiền nhân để lại, không chỉ của riêng Huế mà là của cả quốc gia. Vì vậy, quá trình phát triển, Thừa Thiên Huế luôn đặt nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản lên hàng đầu. Việc xây dựng đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển là nhu cầu và là yếu tố quan trọng, cần thiết mà bất cứ địa phương nào cũng hướng tới và tập trung đầu tư". Tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt, tổ chức lấy ý kiến nhân dân bảo đảm theo quy định, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, thị xã thuộc thành phố; các phường thuộc quận, thị xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

"Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW đã được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống và với những kết quả quan trọng mà tỉnh đạt được trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đang tiến những bước vững chắc trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương", đồng chí Lê Trường Lưu khẳng định.