Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi): Rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và cam kết quốc tế

NDO - Cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính thống nhất, tương thích với các điều ước, thỏa thuận quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: DUY LINH
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: DUY LINH

Sáng 22/2, tại Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, qua đó chỉnh lý lại kết cấu, bố cục và nhiều nội dung trong dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong tiếp thu, chỉnh lý luật, cần bám sát các quan điểm, nguyên tắc đã đề ra khi bắt đầu xây dựng luật, tránh sa vào các vấn đề mang tính kỹ thuật, bảo đảm công tác xây dựng luật đúng tầm vóc của Quốc hội, nhìn nhận rõ việc xây dựng luật đã đạt được các mục tiêu đặt ra hay chưa, đạt được ở mức độ nào, để có định hướng đúng đắn cho công việc tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, từ nay đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho tới trước khi ký chứng thực, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt về các vấn đề như chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi): Rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và cam kết quốc tế ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: DUY LINH

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần đối chiếu kỹ với các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay Việt Nam đang là thành viên của 3 tổ chức lưu trữ quốc tế: Hội đồng Lưu trữ Quốc tế, Hiệp hội Lưu trữ Quốc tế các nước sử dụng tiếng Pháp, Chi nhánh khu vực Đông Nam Á thuộc Hội đồng Lưu trữ Quốc tế; đồng thời cũng có ký kết các thỏa thuận song phương với một số nước trong lĩnh vực này, vì vậy, cần rà soát kỹ để bảo đảm thống nhất, không mâu thuẫn.

Về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phân cấp phân quyền là chủ trương đúng đắn, nhưng cần bảo đảm tính tập trung, thống nhất trong hoạt động lưu trữ. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát nội dung liên quan đến vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các lưu trữ Đảng, lưu trữ lịch sử của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao từ trung ương đến địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần có các quy định về việc các cơ quan này định kỳ báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ, cũng như có cách thức chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu, qua đó làm gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống lưu trữ quốc gia.

Về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc lưu trữ điện tử có đặc thù riêng, tuy nhiên đó cũng là một phần trong hoạt động lưu trữ nói chung, do vậy trước hết cần có quy định rằng nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử phải được thực hiện theo quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ, để bảo đảm các nguyên tắc chuyên môn cơ bản trong lĩnh vực này.

Về tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên thiết kế 2 phương án mà nên giữ như quy định hiện hành là nằm trong Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khi phát biểu trong phiên thảo luận, cũng như đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo.

Quan tâm đến nhóm chính sách về chuyển đổi số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị bổ sung vào Điều 5 của dự thảo luật cụm từ “khuyến khích chuyển đổi số”, bởi nếu chỉ quy định “xây dựng nền lưu trữ Việt Nam hiện đại” là chưa đủ.

Bên cạnh xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu, Chủ nhiệm Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu cân nhắc bổ sung thêm thành tố đó là “số hóa” việc xây dựng cơ sở dữ liệu; đồng thời cần có quy định về việc kết nối, chia sẻ tư liệu quý giữa các cơ quan để phát huy giá trị của các tài liệu lưu trữ.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi): Rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và cam kết quốc tế ảnh 2

Bộ trưởng Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình về một số vấn đề được quan tâm. Ảnh: DUY LINH

Giải trình về các vấn đề được quan tâm, Bộ trưởng Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật, đồng thời khẳng định, Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ đã có sự phối hợp chặt chẽ, kiên trì ngay từ Kỳ họp thứ 6.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến một cách đồng bộ, hai cơ quan đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế ở địa phương, khảo sát các cơ sở lưu trữ công, lưu trữ tư, từ đó, tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm yêu cầu, đáp ứng được mong mỏi về nâng cao chất lượng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Về tài liệu lưu trữ điện tử, Bộ trưởng Nội vụ sẽ lưu ý đến vấn đề kết nối và chia sẻ dữ liệu thông tin của các khối, nhất là khối Đảng, khối ngoại giao và các khối liên quan để bảo đảm việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.