Bát ngát xanh vùng hồ Ba Bể

Nắng chiều buông xuống lòng hồ Ba Bể lấp lánh. Những chiếc xuồng giăng ngược xuôi trên mặt hồ bát ngát xanh đưa du khách thưởng lãm cảnh quan giữa bảng lảng khói sương, thấp thoáng bóng áo chàm của người phụ nữ Tày mảnh mai, mải miết chèo thuyền độc mộc về bản...
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh quan và bản sắc văn hóa được giữ gìn ở Ba Bể (Bắc Kạn) thu hút khách du lịch.
Cảnh quan và bản sắc văn hóa được giữ gìn ở Ba Bể (Bắc Kạn) thu hút khách du lịch.

Chung quanh hồ, các thôn bản Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám... thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đang phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng homestay, farmstay với sự chung tay tham gia tích cực của người dân để vừa bền vững sinh kế, vừa giữ bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống nơi đây. Theo các nhà địa chất, hồ Ba Bể được hình thành cách đây gần 200 triệu năm do một biến động địa chất lớn làm sụt lún các dãy núi đá vôi tạo thành. Hồ được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi xen lẫn sa thạch cổ và các cánh rừng nguyên sinh, tạo nên những phong cảnh ngoạn mục với cấu trúc địa chất, đất đai có một không hai. Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ (năm 1995) công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần bảo vệ.

...Buổi sáng tỉnh thức bằng tiếng gà lục tục dưới gầm nhà sàn lẫn tiếng xuồng máy dưới sông. Trước bản Pác Ngòi là dòng sông Lèng mải miết. Cánh đồng thong thả những ngày đất nghỉ.

Đời sống ven hồ Ba Bể hiện ra sinh động. Đàn ông đan chài, dệt lưới, đánh bắt cá tôm, phụ nữ thêu thùa, làm bánh, trỉa ngô cấy lúa, trồng rau xanh, mía ngọt. Phù sa sông Lèng quanh năm bồi đắp cho cây cối tốt tươi. Từ dấu ấn bóng áo chàm chèo thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể, chúng tôi theo chân chị Hứa Thị Thầm về Homestay Ngọc Trinh - cũng chính là mái ấm gia đình chị. Gia đình có hơn bốn bung ruộng. Những năm trước, kinh tế dựa hoàn toàn vào trồng lúa, trỉa ngô, chăn nuôi gà lợn với thu nhập ít ỏi, nhưng kể từ năm 2018 - khi làm mô hình du lịch homestay, gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định và dần khấm khá. Vừa phục vụ khách ăn nghỉ tại nhà, gia đình chị vừa đáp ứng nhu cầu giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, trải nghiệm lao động, sinh hoạt cùng người dân bản địa (như: nấu rượu, đánh cá, chèo thuyền độc mộc, giã bánh dày, đi cày, vun ngô, gặt lúa…) của du khách.

Bát ngát xanh vùng hồ Ba Bể ảnh 1

Du khách nước ngoài trekking Vườn quốc gia Ba Bể.

Ngồi bên vuông bếp lửa đang tỏa ấm sực giữa sàn nhà, chị Thầm cời than hồng nướng bánh dày gấc mời chúng tôi. Chiếc bánh đỏ lựng, thơm ngon. Chị bảo, những ngày nhà không có khách, gia đình cùng nhau san sẻ việc đồng áng, lấy củi, đánh bắt cá tôm; tối đến dạy con học bài, rồi tranh thủ rang gạo nếp để làm bánh khảo, bánh trời. Những ngày nhà đón du khách, các thành viên trong gia đình tự giác sắp xếp công việc để phục vụ một cách chu đáo nhất.

Có những ngày chị dẫn đoàn khách nước ngoài đi trekking khoảng 25-30 km qua nhiều cung đường đến các thôn bản của người Dao, Mông và khu vực Vườn quốc gia Ba Bể. Hành trình luôn bắt đầu từ buổi sáng khi cây cỏ còn đẫm hơi sương đến khi mặt trời xuống núi. Nhờ làm du lịch homestay mà gia đình anh chị học hỏi thêm nhiều kiến thức, cuộc sống cũng trở nên thú vị hơn khi được giao tiếp với du khách đến từ các vùng miền trong nước và quốc tế.

Dọc theo con đường từ bản Pác Ngòi đến bản Bó Lù đang được khẩn trương hoàn thành, việc di chuyển bằng ô-tô hoặc xe máy thuận tiện, an toàn hơn. Bản Bó Lù cũng là vị trí có nhiều cảnh đẹp hướng ra mặt hồ Ba Bể. Những ngôi nhà kề nhau dưới chân núi, hướng ra cánh đồng bằng phẳng và mặt hồ rộng lớn. Homestay Quỳnh Mai của gia đình chị Đàm Quỳnh Mai ở thôn Bó Lù, đạt chuẩn 3 sao OCOP với hai ngôi nhà sàn hai tầng, có thể chứa cùng lúc 70 khách. Chị cho biết, trung bình mỗi năm đón khoảng 1.700 lượt khách, ngoài ra còn có hai thuyền máy vận chuyển khách du lịch, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình chị Mai trồng 3.000m2 đất nông nghiệp hằng năm, đủ gạo cung cấp cho gia đình, khách du lịch. Trong khuôn viên quy hoạch khu trồng hoa, các trò chơi dân gian trên diện tích khoảng 6.000m2 để tạo thêm nơi vui chơi, giải trí cho du khách. Chị Mai chia sẻ: “Chúng tôi liên kết với các tổ nhóm du lịch địa phương như các đội văn nghệ biểu diễn cho du khách, nhóm thuyền đưa khách đi tham quan, nhóm hướng dẫn viên để chia sẻ lợi ích và bảo đảm cung ứng dịch vụ cho du khách được tốt nhất. Đồng thời, luôn ưu tiên dùng các nông sản, sản vật của người dân địa phương để chế biến món ăn cho du khách và tận dụng những vật liệu tự nhiên trong việc thiết kế phòng nghỉ, khuôn viên homestay”.

Cùng với mở các dịch vụ homestay phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm khám phá các danh lam thắng cảnh vùng hồ, người dân vẫn duy trì việc đan chài lưới, đan lát từ tre, may vá trang phục, phụ kiện của các dân tộc ở địa phương. Với mong muốn giữ gìn, tiếp nối truyền thống của dân tộc, hằng ngày, chị Phùng Thị Tuyền ở thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu vẫn tỉ mẩn may vá những sản phẩm đặc trưng của dân tộc như quần áo Tày, mũ vải, quả còn, túi, ví và một số sản phẩm thiết kế thủ công khác để giới thiệu, bán cho khách. Góc quán thơ mộng có tên gọi “Nàng Bân” là điểm “check in” lý tưởng được nhiều du khách ghé chân nhờ không gian thiết kế bằng gỗ theo phong cách tối giản, gần gũi, không gian thoáng đãng hướng ra mặt hồ mênh mông tạo cho du khách cảm giác thư giãn, yên bình.

Gia đình anh Ngôn Văn Sơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Mẫu - ở bản Pác Ngòi là hộ kinh doanh homestay đón khách nước ngoài đầu tiên ở địa phương. Với lợi thế là có thể giao tiếp bằng hai ngoại ngữ Anh và Pháp, anh Sơn làm luôn hướng dẫn viên cho du khách nước ngoài, đồng thời dễ dàng tiếp thu kinh nghiệm quý trong kinh doanh mô hình du lịch homestay. Anh từng tham quan ở Pháp tới 24 ngày và tham gia Hội thảo về mô hình nông dân làm du lịch của Hiệp hội Accueil Paysan. Bởi thế, anh có nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo về mô hình du lịch homestay, với phương châm hòa nhập, nhưng không hòa tan. Theo anh Sơn, hình ảnh ngôi nhà sàn ở những bản làng ven hồ và nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời của cha ông truyền lại luôn là chìa khóa để thành công và phát triển du lịch homestay.

Sau bữa tối, không gian của ngôi nhà sàn được thiết kế khang trang, sạch đẹp của gia đình anh Sơn ấm cúng hơn trong tiếng hát, tiếng chuyện trò của đoàn khách nước ngoài. Trong hành trình du lịch Việt Nam, bà Lilean (du khách người Hà Lan) cùng đoàn dừng chân tại hồ Ba Bể vào ngày thứ 21: “Một vùng đất và khí hậu tuyệt vời đã giúp cho chuyến du lịch của chúng tôi trở nên đầy cảm hứng và thật nhiều năng lượng. Người bản địa gần gũi, họ chế biến đồ ăn rất ngon. Hồ Ba Bể đẹp hấp dẫn, nhưng để khám phá hết cần nhiều thời gian. Chúng tôi thực sự muốn trở lại nơi này thêm lần nữa”. Còn với anh Tào Gia San, hướng dẫn viên du lịch quốc tế, chính vẻ đẹp tự nhiên, chất dân dã, hồn nhiên của đất và người vùng hồ Ba Bể đã thu hút và níu chân du khách. Nhiều năm dẫn các đoàn khách đến Ba Bể, điều anh ấn tượng nhất và mặc định trong ý nghĩ, chính là sự mến khách và tấm lòng của người dân ở đây.

Xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể hiện nay có tổng cộng 58 cơ sở lưu trú, trong đó có 43 cơ sở là nhà sàn với hai cơ sở homestay đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, có 142 xuồng phục vụ chở khách du lịch tham quan hồ Ba Bể cùng 10 đội văn nghệ. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Nam Mẫu, năm 2023, lượng khách lưu trú tại xã là 12 nghìn lượt khách, trong đó số khách quốc tế đạt 6.690 lượt. Bốn tổ du lịch cộng đồng đang hoạt động hiệu quả ở các thôn: Bó Lù, Cốc Tộc, Pác Ngòi, Bản Cám. Những ngày giáp Tết, địa phương đã lên kế hoạch chuẩn bị cho lễ hội hồ Ba Bể lớn nhất năm ở bản Bó Lù ■