Xử lý dứt điểm tình trạng tranh giành ngư trường ở Cà Mau

Tranh giành ngư trường trên vùng biển tây nam tỉnh Cà Mau “nóng” lên trong thời gian gần đây, khiến hàng loạt tàu cá bị đâm va hư hỏng, thậm chí có tàu bị đốt cháy. Các vụ việc khiến một số ngư dân bị trọng thương, kéo theo nhiều hệ lụy, gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu cá CM-91296-TS bị nhóm người lạ dùng bom xăng đốt cháy trên biển vào đêm 2/1/2024.
Tàu cá CM-91296-TS bị nhóm người lạ dùng bom xăng đốt cháy trên biển vào đêm 2/1/2024.

Căng thẳng về tranh giành ngư trường tại Cà Mau tập trung chủ yếu trên địa bàn vùng biển huyện U Minh và Trần Văn Thời, nơi tập trung nhiều tàu cá hành nghề thả ốc bẫy mực (dùng vỏ ốc biển làm ngư cụ để bắt mực)…

Bất ổn ngư trường biển Tây

Ðã hơn nửa tháng trôi qua nhưng gia đình ngư dân Lê Hoài Hận ở ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời vẫn còn cảm giác bàng hoàng khi phương tiện mưu sinh chính của gia đình là tàu cá CM-91296-TS bị nhóm đối tượng lạ đốt chìm trên biển. Ông Hận cho biết, vào chiều 2/1/2024, tàu của ông đang thả ốc bẫy mực thì bị một nhóm người lạ đến ngăn cản, không cho khai thác rồi rời bỏ đi sau khi buông lời hăm dọa: “Nếu không đi qua ngư trường khác thả ốc thì đừng trách sao nặng tay”. Ðến tối, họ quay lại trên một tàu nhỏ gồm bốn người bịt mặt, dùng bom xăng tự chế ném thẳng vào ca-bin tàu của ông Hận.

Thời điểm bị tấn công là lúc tàu cá của gia đình ông Hận đang neo đậu để chờ thu hoạch ốc bẫy mực. Các ngư dân trên tàu đang say ngủ sau cả ngày mệt nhọc. Khi tàu phát cháy từ bên trong buồng lái, các thành viên trên tàu chỉ kịp nhảy xuống biển. Bơi sang được một tàu cá neo đậu gần đó để thoát thân, nhìn lại thì nhóm người lạ vẫn còn lượn lờ quanh khu vực, chờ con tàu cháy hết, chìm hẳn xuống biển mới bỏ đi.

“Thái độ lạnh lùng, vô cảm của nhóm người lạ khiến chúng tôi rất sợ. Hôm đó mà không có chiếc tàu cá neo đậu gần bên, tụi tôi sẽ khó cầm cự lâu dưới biển vì vật dụng cứu sinh trên tàu đã bị cháy hết. Chưa nói, họ đã cố ý đốt tàu thì không loại trừ khả năng thủ tiêu luôn nhân chứng”, ông Hận thuật lại.

Khai thác chung ngư trường với nhóm tàu của ông Hận có khoảng 10 tàu cá khác cùng hành nghề ốc bẫy mực. Hiện, đã có nhiều tàu cá nằm bờ vì bị đâm va hư hỏng, không bảo đảm điều kiện ra khơi. Ngư dân Nguyễn Hùng Trên, chủ tàu CM-91414-TS cho biết, hai tháng gần đây, ngư trường khai thác trên vùng biển tây nam tỉnh Cà Mau rất bất ổn bởi nhóm người lạ đến giành ngư trường bằng cách cho nhiều tàu cá cùng nghề chạy “khóa đầu, khóa đuôi” không cho ngư dân thả ốc bẫy mực; hăm dọa bằng lời nói, dùng ná bắn đạn bi sắt gây thương tích cho ngư phủ, thậm chí đâm va làm hư hỏng tàu.

Cũng theo ông Trên, ngoài ngư dân cùng nghề, nhóm tham gia giành ngư trường còn có sự xuất hiện của các thành phần bất hảo ngoài xã hội. Khi chiếm được ngư trường, họ chia nhau khai thác, hoặc cho thuê lại với giá từ 2-3 triệu đồng/ngày đêm. Ðề nghị chính quyền và ngành chức năng sớm vào cuộc để ổn định tình hình, giúp ngư dân chân chính yên tâm bám biển…

Theo thống kê của đơn vị chức năng Cà Mau, chỉ từ tháng 11/2023 đến đầu tháng 1/2024, trên vùng biển tây nam của tỉnh này đã xảy ra 11 vụ liên quan tranh chấp ngư trường. Trong đó, các đồn biên phòng đã tiếp nhận, bàn giao và phối hợp công an các địa phương trong tỉnh thụ lý điều tra bảy vụ liên quan 28 phương tiện. Có những vụ việc các đối tượng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng điều khiển phương tiện đâm va vào nhau, thậm chí sử dụng cả hung khí, súng bắn đạn chì và chất cháy để giải quyết mâu thuẫn.

Tiếp nhận tố giác của ngư dân, lực lượng chức năng Cà Mau đã vào cuộc xác minh; đến nay, đã khởi tố một vụ án, khởi tố 5 bị can có liên quan. Một số vụ chưa rõ đang tiến hành điều tra, xác minh thêm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có công văn đề nghị chính quyền tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy nhanh quá trình điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định để kịp thời răn đe, chấm dứt các hành vi vi phạm liên quan đến tranh giành ngư trường.

Không để tội phạm trên biển lộng hành

Vùng biển Cà Mau rộng khoảng 80.000 km2, thuận lợi cho hoạt động khai thác của một số phương tiện hành nghề ốc bẫy mực, lú bát quái, câu kiều, lưới, giã cào... Theo Ðại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau, năm 2023, nhìn chung tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên phòng được giữ vững. Tuy vậy, những tháng cuối năm đã nổi lên tình hình tranh giành ngư trường gây mất an ninh trật tự trên biển.

Trước tình hình nêu trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức điều tra nguồn tin có dấu hiệu phạm tội “cố ý gây thương tích” và “hủy hoại tài sản người khác” xảy ra trên vùng biển; chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ và các đơn vị cơ sở phối hợp chặt chẽ lực lượng công an các huyện và Công an tỉnh trong suốt quá trình điều tra, xác minh các đối tượng có liên quan.

Thực tế, Bộ đội Biên phòng Cà Mau còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định trong đấu tranh với loại tội phạm trên biển. Bởi, phần lớn vụ việc xảy ra cách xa bờ và trên biển nên rất khó tiếp cận ngay với hiện trường. Mặt khác, khi xảy ra tranh giành ngư trường rất khó giải quyết vì không có cơ sở để xác định được vùng hoạt động của địa phương (huyện), tàu cá nào hoạt động chiếm giữ khu vực biển, ai chiếm giữ trước, ai chiếm giữ sau...

“Các vụ tranh chấp, xung đột trên biển dẫn đến đâm va làm hư hỏng phương tiện, gây thương tích cho các thuyền viên hai bên có dấu hiệu hình sự về tội hủy hoại tài sản và cố ý gây thương tích... thì không thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng nên phải chuyển qua cho cơ quan điều tra có thẩm quyền bên công an xử lý”, Ðại tá Phạm Anh Chương cho biết thêm.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, trước đây, trên vùng biển Cà Mau thường xảy ra xung đột quyền lợi, tranh chấp giữa nghề lưới kéo (cào) với nghề ốc bẫy mực (do cào làm hư ốc bẫy mực); tình trạng trộm cắp ốc bẫy mực (dùng phương tiện tốc độ cao, lợi dụng ban đêm lấy trộm ốc bẫy mực).

Qua nắm bắt thông tin, hiện nay, đã có sự thỏa thuận về ngư trường giữa nghề ốc bẫy mực và nghề cào và đã xuất hiện tình trạng nhiều đội tàu ốc bẫy mực chiếm giữ ngư trường, cho phía nghề ghe cào thuê ngư trường để khai thác hải sản. Trong quá trình chiếm giữ ngư trường trái phép, các đội tàu ốc bẫy mực cũng đã có mâu thuẫn với nhau. Cùng với đó là sự xuất hiện của các nhóm xã hội đen sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí nguy hiểm để tranh giành ngư trường.

“Từ phản ánh của ngư dân cho thấy, tình hình an ninh trật tự trên biển của tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới, đòi hỏi các ngành chức năng phải thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình tại địa bàn cơ sở để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Lê Văn Sử

Gần một tuần nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau liên tục ban hành hai công văn hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biên phòng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, không để phát sinh điểm nóng.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng liên quan và chính quyền các địa phương khẩn trương điều tra, xác minh các vụ việc tố giác của ngư dân để xử lý nghiêm theo quy định nhằm kịp thời răn đe, chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biển (Cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư,...) tổ chức phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra tranh giành ngư trường, giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất...