Tuyên truyền pháp luật gắn với thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

Ba năm qua, cùng với tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, tấn công các loại tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum còn làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, gắn vận động nhân dân địa phương giao nộp vũ khí, vật liệu nổ trái phép, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tuyên truyền, động viên bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới tự nguyện đến giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tuyên truyền, động viên bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới tự nguyện đến giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm giúp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về biên giới, biên phòng; giúp bà con hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tác hại của việc tàng trữ vũ khí trái phép, qua đó tự nguyện đem giao nộp, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn vững mạnh.

Do đặc thù khu vực biên giới có rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, sau chiến tranh, một số vũ khí, vật liệu nổ còn sót lại được bà con dân tộc thiểu số phát hiện, nhặt về và cất giữ để sử dụng. Bên cạnh đó, vẫn còn người dân có thói quen tự chế các loại súng dùng để đi săn bắn, bảo vệ mùa màng, cho nên xảy ra các vụ án ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội...

Trước thực tế nêu trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức và biện pháp phong phú, như: thông qua các lễ hội, qua hệ thống loa truyền thanh, pa-nô, tờ rơi... Nêu cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín, vận động linh hoạt, khéo léo để bà con tự giác giao nộp các loại vũ khí. Do vậy, năm 2023, các đơn vị đã thu hồi được gần 200 khẩu súng tự chế các loại, 10 viên đạn AK, trong đó có 64 súng kíp, tám súng hơi cồn tự chế, một súng hơi PCP, hai nụ xòe và 140 viên đạn chì...

Là một trong những đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, Trung tá Nguyễn Văn Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hồ Le, chia sẻ: Xác định rõ việc vận động người dân giao nộp và thu hồi vũ khí, vật liệu nổ có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tăng cường bám nắm thôn làng, bám dân, vừa tuyên truyền hướng dẫn bà con hiểu biết thêm về luật pháp, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, vừa vận động nhân dân tự nguyện giao nộp súng, vật liệu nổ theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời tích cực giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu...

Do nói đúng “cái bụng” của dân, cho nên trong năm 2023, Đồn Biên phòng Hồ Le đã kết hợp bốn đồn biên phòng trên địa bàn, gồm: Ia Đal, Ia Dom, Sa Thầy và Sê San động viên bà con đem nộp 71 khẩu súng các loại; trong đó, có 64 khẩu súng kíp, sáu súng hơi cồn tự chế, một súng hơi PCP, chín nòng súng kíp tự chế và 142 viên đạn các loại.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã không quản ngại vất vả đến từng gia đình, lên nương rẫy để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ sự đồng cảm, sẻ chia, linh hoạt, thấu tình đạt lý cho nên nhiều trường hợp đã nhận thức được việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật. Câu chuyện của anh Vi Văn Ơn, sinh năm 1990, dân tộc Thái, ở thôn Ia Der, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum là một thí dụ. Từ ý kiến người dân phản ánh anh Ơn cất giấu một khẩu súng tự chế để săn bắn.

Tuy nhiên, khi Bộ đội Biên phòng đến nhà gặp và vận động giao nộp nhưng anh Ơn vẫn một mực chối cãi, cất giấu súng. Với quan điểm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ Đồn Biên phòng Hồ Le đã phối hợp người có uy tín trong thôn, lên tận nương rẫy vừa vận động, vừa giúp đỡ gia đình anh Vi Văn Ơn trồng cao-su, sắn... Tình cảm của Bộ đội Biên phòng đã giúp anh Ơn nhận ra cái sai và tự nguyện giao nộp súng.

Để người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, ngoài bám dân và làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng còn phối hợp chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ..., góp phần giúp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm công dân, không tham gia tiếp tay cho tội phạm.

Bên cạnh đó, người dân còn tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng, công an và các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; nhất là tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Qua triển khai đồng bộ các biện pháp, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ của nhân dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Người dân hiểu được tác hại, nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ từ đó tự giác giao nộp cho lực lượng chức năng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là vùng biên giới.

Cùng với vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum còn làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò nòng cốt hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”...; trở thành điểm tựa, đồng hành cùng nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ■