Thông báo của IMF cho biết, thỏa thuận với Argentina sẽ được trình lên Ban điều hành IMF xem xét trong những tuần tới và nếu được phê chuẩn, thỏa thuận sẽ cho phép Chính phủ Argentina được nhận khoản giải ngân 4,7 tỷ USD. Đây là khoản tiền cần thiết giúp Argentina trang trải nợ nần và hỗ trợ các kế hoạch đối phó khủng hoảng.
Chỉ tính riêng nửa cuối năm 2023, Argentina cần các khoản tạm ứng trị giá 10,6 tỷ USD nhằm tăng dự trữ của ngân hàng trung ương và củng cố tài khóa theo yêu cầu của IMF. Quốc gia Nam Mỹ này đứng trước thách thức lớn khi lạm phát tăng cao tới hơn 200% và tỷ lệ đói nghèo vượt quá 40% dân số. Hàng loạt công ty tư vấn tài chính tại Argentina ước tính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Argentina đã tăng từ 210%-220% trong năm 2023.
Chỉ tính riêng nửa cuối năm 2023, Argentina cần các khoản tạm ứng trị giá 10,6 tỷ USD nhằm tăng dự trữ của ngân hàng trung ương và củng cố tài khóa theo yêu cầu của IMF.
Việc chính phủ mới của Argentina phá giá mạnh đồng nội tệ peso đã khiến chỉ số CPI trong tháng 12/2023 tăng kỷ lục lên hơn 29%, trong đó giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng tới 35,3%.
Công ty tư vấn LCG ước tính lạm phát trong tháng 12/2023 tại Argentina ở mức 28%, tương ứng mức tăng cả năm là 218%. Hầu hết các công ty tư vấn tài chính tại Argentina ước tính lạm phát trong tháng 1/2024 sẽ ở mức tương tự tháng 12/2023, trong đó giá các loại dịch vụ công cộng và hóa đơn trả trước sẽ tăng mạnh nhất.
Đứng trước những khó khăn mà quốc gia đang phải đối mặt, Tổng thống Milei thúc đẩy thực hiện các cam kết mà ông đưa ra trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu tuyên bố sẽ đô-la hóa nền kinh tế; tư nhân hóa Tập đoàn năng lượng quốc gia YPF, Hãng hàng không Aerolíneas Argentinas, cũng như các công ty cấp thoát nước, viễn thông, đường sắt thuộc sở hữu nhà nước; cắt giảm 20 tỷ USD thâm hụt ngân sách nhà nước; thả nổi giá điện, thực phẩm và dịch vụ y tế; cắt giảm 5.000 lao động thuộc khu vực nhà nước và hợp pháp hóa việc sử dụng tiền điện tử.
Tuy nhiên, Chủ tịch Chiến lược thị trường và đầu tư Ngân hàng JP Morgan, ông Michael Cembalest mới đây cảnh báo, phương án đô-la hóa nền kinh tế của ông Milei “sẽ thất bại”. Ông Cembalest cho rằng, mô hình kinh tế tự do mà Tổng thống Milei theo đuổi chỉ khả thi ở những quốc gia có những điều kiện nhất định, điều mà “Argentina không có”.
Trong báo cáo về tình hình thị trường tài chính, ông Cembalest cho rằng, chính phủ của Tổng thống Milei, chiếm thiểu số ở Quốc hội, cần tới 2/3 số phiếu ủng hộ để thông qua những cải cách cần thiết cho khả năng chuyển đổi để sử dụng đồng USD trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, để thực hiện được kế hoạch này, Argentina cần có nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể và với mức lãi suất tiết kiệm cao hơn rất nhiều.
Hơn nữa, khả năng chuyển đổi sang loại tiền tệ khác thường chỉ khả thi ở những nơi có sự kết hợp của nhiều yếu tố như hiệu suất hoạt động của nền kinh tế ở mức cao, tính linh hoạt và tính năng động trong kinh doanh cho phép nền kinh tế đó đương đầu và đứng vững với các cú sốc của thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Báo cáo của ông Cembalest cũng đưa ra các chỉ số thể chế, tính linh hoạt của thị trường lao động, quyền tự do và tính năng động trong kinh doanh, liên quan đến một trong những khía cạnh và điều kiện khi đánh giá tình trạng đô-la hóa nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Mỹ Latin.
Những kế hoạch cải cách của Tổng thống Milei hiện đối mặt nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về người lao động. Tòa án Lao động quốc gia của Argentina đã đình chỉ dự luật cải cách lao động do chính phủ của ông đề xuất. Dự luật cải cách lao động bị đình chỉ theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động (CGT) - tổ chức công đoàn lớn nhất ở Argentina.
CGT đã hoan nghênh phán quyết nêu trên, trong khi đại diện chính phủ Tổng thống Milei khẳng định sẽ kháng cáo. Các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ Tổng thống Milei vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người lao động và CGT đã phát động tổng đình công trên toàn quốc vào ngày 24/1 tới, đồng thời tuyên bố sẽ đệ đơn kiện lên Tòa án tối cao Argentina chống lại chính sách kinh tế mới của chính phủ.