Chặng đường chông gai phía trước của Argentina

Trước tình hình kinh tế và đời sống gặp nhiều khó khăn, người dân Argentina đang rất trông chờ vào những thay đổi tích cực của tân Tổng thống Javier Milei. Trong nhiệm kỳ bốn năm tới, nhiều thách thức đặt ra với chính phủ mới để đưa Argentina trở lại vị thế của một trong những nền kinh tế hàng đầu khu vực Mỹ Latin và Caribe.
0:00 / 0:00
0:00
Tân Tổng thống Argentina Javier Milei (bên trái) tại lễ nhậm chức. (Ảnh EL DIARIO)
Tân Tổng thống Argentina Javier Milei (bên trái) tại lễ nhậm chức. (Ảnh EL DIARIO)

Trong phát biểu nhậm chức, tân Tổng thống Argentina Javier Milei một lần nữa nhấn mạnh những cam kết khi tranh cử về các ưu tiên cấp bách trong lĩnh vực kinh tế, trong bối cảnh đất nước chìm trong khủng hoảng nợ và tỷ lệ lạm phát đang ở mức rất cao. Tình hình kinh tế Argentina đang ở mức báo động. Quốc gia Nam Mỹ này hiện nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hơn 44 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại tệ ở mức âm.

Tỷ lệ người nghèo và lạm phát ở mức cao cùng sự bất ổn của thị trường tài chính khiến vấn đề thu hút quan tâm và vốn đầu tư trở nên rất khó khăn và phức tạp. Chỉ tính riêng trong nửa cuối năm 2023, Argentina cần các khoản tạm ứng trị giá 10,6 tỷ USD nhằm tăng dự trữ của ngân hàng trung ương và củng cố tài khóa theo yêu cầu của IMF. Trong khi đó, đợt hạn hán nghiêm trọng thời gian gần đây khiến kinh tế Argentina thiệt hại khoảng 20 tỷ USD.

Nhằm giải quyết các thách thức nghiêm trọng, những thay đổi đầu tiên được Tổng thống Javier Milei nhanh chóng thực hiện, với sắc lệnh giảm một nửa số bộ trong chính phủ, xuống còn chín bộ, bên cạnh đó là gói biện pháp kinh tế khẩn cấp nhằm ứng phó tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô. Chính phủ Argentina dự định cắt giảm chi tiêu công và ngăn chặn nguy cơ xảy ra tình trạng siêu lạm phát, với các giải pháp chính gồm: Giảm trợ cấp cho lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải; hạn chế phân bổ ngân sách từ trung ương cho các địa phương; hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng chưa khởi công; tiến tới loại bỏ các loại thuế xuất khẩu.

Các chuyên gia đánh giá, việc cải cách mạnh tay này có thể giúp chính quyền Tổng thống Javier Milei nhanh chóng cụ thể hóa mục tiêu cắt giảm chi tiêu công và hạn chế thâm hụt ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, cũng vẫn còn những lo ngại về việc hạn chế ngân sách dành cho lương hưu hay dịch vụ và tiện ích công cộng sẽ gây tổn hại tới người nghèo tại Argentina, ít nhất là trong ngắn hạn. Tổng thống Javier Milei thừa nhận, các giải pháp điều chỉnh có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, thị trường lao động, tiền lương thực tế và làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói. Dù vậy, ông Milei hy vọng, người dân sẽ đoàn kết vì lợi ích chung, ủng hộ chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt để đưa nền kinh tế đất nước ra khỏi “tình trạng nguy kịch” hiện nay, tránh rơi vào viễn cảnh thảm họa siêu lạm phát.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Luis Caputo, người từng nắm giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền cựu Tổng thống Mauricio Macri (2015-2019), việc điều chỉnh này có thể khiến tình hình kinh tế Argentina tồi tệ hơn trong khoảng vài tháng. Tuy nhiên, về dài hạn, các biện pháp này là tiền đề vững chắc cho nỗ lực vực dậy nền kinh tế quốc gia. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, các quyết định táo bạo sẽ giúp Argentina ổn định nền kinh tế và tạo lập nền tảng thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Đảng Tiến bộ Tự do (LLA) do Tổng thống Javier Milei lãnh đạo chỉ mới thành lập từ năm 2021, cho nên được cho là còn thiếu nền tảng vững chắc ở cấp quốc gia. Tổng thống Javier Milei đã bổ nhiệm một số cựu quan chức dưới thời cựu Tổng thống Macri đảm nhận các chức vụ quan trọng trong chính quyền mới nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và tăng cường sức mạnh chính trị. LLA hiện chỉ kiểm soát 38/257 ghế hạ viện và 7/72 ghế thượng viện. Để những đề xuất cải cách của Chính phủ được Quốc hội thông qua, LLA cần sự ủng hộ của tất cả 94 hạ nghị sĩ và 21 thượng nghị sĩ của liên minh trung hữu.

Ngoài kinh tế, Tổng thống Javier Milei cũng cần chú trọng cải tổ các lĩnh vực y tế, giáo dục và an ninh, góp phần từng bước nâng cao đời sống của người dân. Chính sách đối ngoại cũng là bài toán khó, khi phải bảo đảm yếu tố cân bằng giữa các đối tác, qua đó tăng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu và thu hút ngoại tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Vượt qua thách thức trong giai đoạn nhiều chông gai sắp tới là nhiệm vụ không dễ dàng với chính quyền Tổng thống Javier Milei, để xứng với sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri Argentina.