Bởi vậy, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trên biển được tỉnh Khánh Hòa đặt vào vị trí ưu tiên xuyên suốt, mang tầm chiến lược. Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, Khánh Hòa là trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, thời gian qua, các ngành, lĩnh vực kinh tế biển của Khánh Hòa đã có những bước phát triển mới, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương; nâng cao đời sống người dân vùng biển, đảo; bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả, chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển.
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên biển; bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đến năm 2045 là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường.
Thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định: Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, tuần hoàn.
Là một khái niệm khá mới, kinh tế biển xanh thực chất là nền kinh tế xanh áp dụng cho khu vực biển và hải đảo. Tuy nhiên, ở đây có một chút khác biệt trong cách tiếp cận giữa kinh tế xanh và kinh tế biển xanh. Kinh tế xanh trên đất liền ưu tiên công tác bảo tồn, chẳng hạn bảo tồn các loài động vật hoang dã chủ yếu để bảo tồn nguồn gien; tạo dựng môi trường trong sạch, bảo đảm an toàn cho con người. Còn ở biển, ngoài mục đích bảo tồn nguồn gien, việc bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản lại mang ý nghĩa bảo tồn cả sinh kế cư dân vùng biển, thu nhập và an ninh lương thực, năng lượng của con người.
Có thể nói, kinh tế biển xanh bao gồm tất cả các ngành kinh tế biển truyền thống, nhưng với cách tiếp cận mới, phát triển xanh, tuần hoàn và bền vững.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh đang trở thành mối quan tâm toàn cầu và được coi là động lực phục hồi, thúc đẩy kinh tế biển theo hướng hiệu quả và bền vững. Hiểu theo cách đơn giản nhất, kinh tế xanh là nền kinh tế phát thải ít các-bon; tăng trưởng theo chiều sâu; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ và tăng trưởng bền vững; tạo ra việc làm và công bằng xã hội, hướng vào cải thiện sinh kế của người dân.
Tại Hội thảo khoa học “Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển” Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi gợi ý một số nhóm giải pháp, biện pháp Khánh Hòa có thể tham khảo để hướng tới một nền kinh tế biển xanh, bền vững. Theo đó, ưu tiên bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển. Trước mắt, thực hiện tốt Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang và nhân rộng mô hình Rạn Trào ở cấp cộng đồng; triển khai công tác quản lý khu bảo tồn biển đảo Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa gắn với hoạt động quốc phòng-an ninh. Áp dụng rộng rãi mô hình “đồng quản lý nguồn lợi thủy sản” theo tinh thần của Luật Thủy sản năm 2017. Cùng với đó, phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái biển-ven biển đã bị suy thoái; tái tạo, bảo vệ khu vực sinh sản và phát triển của các loài sinh vật biển, bảo tồn các giá trị tự nhiên của chúng phục vụ mục đích phát triển du lịch sinh thái...
Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường biển, Khánh Hòa nghiên cứu tiến hành “Quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ”, bao gồm kiểm soát chất thải, trong đó có rác thải nhựa theo góc nhìn “từ nguồn ra biển". Ðây cũng là phương thức quản lý biển và kinh tế biển theo không gian để thực hiện gắn kết với Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện đến năm 2030.
Một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế biển xanh là bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo gắn với du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ðể bảo tồn được đa dạng sinh học biển, đảo cần có phương án sử dụng hợp lý các lợi ích có được từ việc bảo tồn đa dạng sinh học trong các vùng biển và trên các đảo, như: phát triển du lịch sinh thái cấp cộng đồng... Cộng đồng dân cư được tham gia các hoạt động bảo tồn, và được sử dụng các giá trị có được từ bảo tồn để chuyển đổi nghề nghiệp và cải thiện sinh kế bền vững.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, trong quá trình thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế biển xanh, tỉnh sẽ chú trọng một số nguyên tắc cơ bản: Duy trì trạng thái cân bằng giữa phát triển và môi trường; phát triển kinh tế biển xanh và bền vững; thực thi hiệu quả các chính sách pháp luật về biển; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển; kịp thời ban hành các giải pháp tổng thể để phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường; xây dựng Ðề án phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi xanh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030.