Ngày 8/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024 và Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 50,8 triệu đồng, bằng 101,6% kế hoạch. Trồng rừng đạt hơn 16.000ha. Số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 106 xã.
Tỉnh đã thành lập mới 350 doanh nghiệp, thành lập mới 104 hợp tác xã, 574 tổ hợp tác; tỷ lệ đô thị hóa đạt 23,30%; chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 65,62%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,76%; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 với gần 1.600 nhà. Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Quốc phòng-an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuyến đường Tân Lĩnh-Tân Lập-Phan Thanh được nhân dân huyện Lục Yên hiến đất làm đường, nhằm bảo đảm tiêu chí xây dựng nông thôn mới. (Ảnh THANH SƠN) |
Năm 2024, Yên Bái tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển các ngành, lĩnh vực mới, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Yên Bái quan tâm, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế-xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Với phương châm hành động “Kỷ cương, sáng tạo, đồng bộ, bứt phá, hiệu quả”, tỉnh Yên Bái đề ra 32 chỉ tiêu và 7 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện. Trong đó phấn đấu, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 7,7%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người 55 triệu đồng; trồng rừng 15.000ha.
Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 10 xã; lũy kế số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 116 xã. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.300 tỷ đồng. Chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 68%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 63%.
Đổi mới cơ chế quản lý điều hành, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động.