Phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”

Trả lời về kết quả Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 21, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Hội nghị đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, đề án quan trọng về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng như những nội dung lớn của bản sắc “cây tre Việt Nam” của nền đối ngoại, ngoại giao.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Phóng viên:Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa kết thúc, xin Thứ trưởng cho biết về những kết quả chính đã đạt được tại Hội nghị lần này?

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Hội nghị Ngoại giao 32 lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII, do đó Hội nghị có tính chất “bản lề” cả về bối cảnh và nội dung, đánh dấu giai đoạn kế thừa cũng như phát triển mới trong công tác đối ngoại. Trên tinh thần đó, Hội nghị đã được tổ chức với 23 phiên họp, trong đó có 9 phiên chuyên đề, hơn 300 lượt ý kiến phát biểu và đạt được 5 kết quả chính:

Thứ nhất, kết quả bao trùm là Hội nghị đã đạt sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về những kết quả đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng triển khai thời gian tới.

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đều đánh giá công tác đối ngoại đã “đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước” và đã cho ý kiến chỉ đạo toàn diện, sâu sắc với công tác đối ngoại. Đây là cơ sở quan trọng để định ra các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm và các biện pháp cần tập trung triển khai đến hết nhiệm kỳ khóa XIII và những năm tiếp theo, bước đầu chuẩn bị nội dung cho Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Thứ hai, Hội nghị đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, đề án quan trọng về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng như những nội dung lớn của bản sắc “cây tre Việt Nam” của nền đối ngoại, ngoại giao.

Thế giới đang đứng trước bước ngoặt sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc, công tác đối ngoại cần bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao riêng có “cây tre Việt Nam”, kiên định về nguyên tắc nhưng uyển chuyển về sách lược để bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.

Theo đó, tinh thần chung là: thế giới đang đứng trước bước ngoặt sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc, công tác đối ngoại cần bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao riêng có “cây tre Việt Nam”, kiên định về nguyên tắc nhưng uyển chuyển về sách lược để bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.

Thứ ba, Hội nghị đã nhất trí thông qua nghị quyết và chương trình hành động với các biện pháp, phương hướng cụ thể, với những nội dung mang tính đột phá, sáng tạo, thể hiện quyết tâm và nỗ lực cao nhất của toàn ngành trong việc triển khai nhiệm vụ theo tinh thần của Hội nghị là “phát huy vai trò tiên phong” trong công tác đối ngoại và “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh” trong công tác xây dựng ngành.

Thứ tư, Hội nghị được tiến hành với phương châm “toàn diện, đổi mới, thực chất”. Hội nghị đề cao cách tiếp cận “toàn diện” về lĩnh vực thảo luận, bao gồm công tác đối ngoại, công tác xây dựng ngành và công tác chỉnh đốn Đảng. “Đổi mới” về tư duy, gắn đối ngoại với những yêu cầu mới; đổi mới về phương thức tổ chức, tập trung vào thảo luận xây dựng, dân chủ. “Thực chất” về nội dung, đặc biệt là về nhận định, đánh giá, kiến nghị, mỗi vấn đề được phân tích tổng thể, nhiều chiều để nhận định rõ hơn cả về cơ hội và thách thức.

Thứ năm, Hội nghị đã lan tỏa không khí phấn khởi, tự hào về những kết quả, thành tựu của ngành ngoại giao thời gian qua cũng như tinh thần quyết tâm, đổi mới trong toàn ngành ngoại giao và các lực lượng làm đối ngoại cả nước. Hội nghị cũng đã góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận, gắn kết các lực lượng, binh chủng đối ngoại để tạo sức mạnh tổng hợp theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “trên dưới đồng lòng”, đồng tâm, đồng sức để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.

Phóng viên: Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo rất cụ thể, chỉ ra những vấn đề cần quan tâm của công tác đối ngoại và ngoại giao trong thời gian tới. Xin bà cho biết Bộ Ngoại giao sẽ triển khai những chỉ đạo này cũng như những kết quả đã đạt được tại Hội nghị như thế nào?

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: Các chỉ đạo của Tổng Bí thư đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết và Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao 32, đặc biệt là những phương châm, định hướng lớn về việc kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kiên định về nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược, xây dựng đội ngũ đoàn kết, đồng thuận, vững mạnh...

Quán triệt sâu sắc các phương châm đó, thấm nhuần bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”, toàn thể cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, bám sát Nghị quyết và đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hội nghị, lấy đó làm định hướng để triển khai các nhiệm vụ và làm thước đo để đánh giá kết quả đối ngoại đến cuối nhiệm kỳ.

Hai là, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, bền vững, đặc biệt dành ưu tiên cao cho việc triển khai các thỏa thuận, cam kết đã đạt được; mở rộng hợp tác với Lào, Campuchia, thúc đẩy đà phát triển với Trung Quốc, Mỹ, đẩy mạnh hợp tác thiết thực với các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống khác... qua đó củng cố cục diện đối ngoại rộng mở và thuận lợi.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả ngoại giao kinh tế theo hướng tập trung phục vụ cho 3 đột phá chiến lược, tham mưu các biện pháp ứng phó với các vấn đề mới; ưu tiên cao cho việc đa dạng hóa đối tác và thị trường qua việc mở rộng mạng lưới 16 FTA với 57 đối tác, thu hút FDI chất lượng cao và ODA thế hệ mới, tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác...; kết nối, hỗ trợ các quá trình chuyển đổi lớn, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng…

Bốn là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng nhưng đồng thời trên tinh thần “hòa hiếu” tìm kiếm và phát huy điểm đồng để thúc đẩy hợp tác, giảm thiểu bất đồng, bảo vệ tổ quốc từ sớm từ xa.

Năm là, nâng tầm và phát huy vai trò trong đối ngoại đa phương, đặc biệt là tổ chức tốt hoạt động tại các sự kiện cấp cao và tổ chức thành công các sự kiện Việt Nam đăng cai; tích cực phát huy vai trò tại các cơ chế ta được bầu trong Liên hợp quốc, UNESCO, Hội đồng nhân quyền... và vận động ứng cử vào các cơ chế khác; đóng góp sáng kiến trong lĩnh vực ngoại giao chuyên biệt như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, di sản văn hóa...

Sáu là, triển khai toàn diện công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân, thực hiện đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích của người Việt Nam ở nước ngoài; đổi mới ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, đặc biệt là phát huy các lĩnh vực, hình thức ngoại giao mới như ngoại giao số, ngoại giao công nghệ, ngoại giao di sản... để lan tỏa giá trị, sức mạnh mềm Việt Nam.

Cuối cùng là hoàn thiện xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, vững mạnh cả về cơ chế, chính sách, pháp luật... cũng như đào tạo, rèn luyện cán bộ, tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng; chuẩn hoá, từng bước hiện đại cơ sở vật chất, trụ sở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phóng viên: Xin cho biết những ý kiến, đề xuất mà bà tâm đắc nhất tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21? Trong thời gian tới Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hỗ trợ như thế nào cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương trên cả nước?

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 đã thành công tốt đẹp với sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và sự tham gia tích cực, đông đảo của đại diện các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các cơ quan ngoại vụ địa phương. Điều này cho thấy sự quan tâm tích cực của các cấp, các ngành đối với công tác ngoại vụ địa phương.

Trước Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã đề nghị các địa phương có những “đặt hàng” cụ thể, đề xuất, kiến nghị cho Bộ Ngoại giao. Theo thống kê, đã có 267 đề xuất, kiến nghị của các địa phương gửi đến Bộ. Với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương”, Hội nghị tập trung vào việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương và tổ chức nhiều hoạt động kết nối địa phương với các đối tác quốc tế.

Tôi tâm đắc ba nội dung sau:

Một là, cần tiếp tục và phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của đối ngoại trong phục vụ phát triển, nâng cao vị thế đất nước nói chung và đối với sự phát triển bền vững của các địa phương nói riêng.

Hai là, cần phát triển công tác đối ngoại địa phương theo hướng tổng thể, toàn diện, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu. Công tác ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản để hỗ trợ các địa phương quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, thu hút các nguồn lực từ nước ngoài.

Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương, trong đó đổi mới về nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực triển khai đối ngoại và hội nhập quốc tế của các cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương; có các chính sách quy hoạch, bố trí, sử dụng hiệu quả cán bộ làm công tác này.

Với tinh thần phụng sự, lấy địa phương làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới với một số trọng tâm sau:

Với tinh thần phụng sự, lấy địa phương làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới.

Một là, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn diện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị nội dung về công tác đối ngoại cho Đại hội Đảng bộ của các địa phương trong thời kỳ tới cũng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Hai là, đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế toàn diện, hiệu quả, thực chất theo tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và Nghị quyết 21 của Chính phủ về triển khai Chỉ thị 15.

Ba là, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong thu hút nguồn lực quốc tế để phát triển bền vững thông qua: (i) Tăng cường cung cấp thông tin về các diễn biến kinh tế thế giới, triển khai công tác đối ngoại, các vấn đề tác động trực tiếp đến các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp trong nước; (ii) Thông tin về các quy tắc quản trị, tiêu chuẩn mới, các xu hướng mới trong hợp tác kinh tế quốc tế; (iii) Tư vấn chính sách về các vấn đề xã hội địa phương trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế; (iv) Hỗ trợ địa phương thiết lập và tận dụng hiệu quả quan hệ kết nghĩa với các địa phương trên thế giới, quan hệ hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế cấp độ địa phương; (v) Đồng hành cùng địa phương trong các hoạt động quảng bá, kết nối, xúc tiến, sự kiện văn hóa, giao lưu nhân dân với cách làm sáng tạo, đổi mới gắn với nhu cầu và tiềm năng của địa phương.

Bốn là, tiếp tục triển khai toàn diện và mạnh mẽ công tác đối ngoại địa phương trên các lĩnh vực ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và kết nối kiều bào với địa phương, công tác biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao, công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, quản lý hội nghị hội thảo quốc tế.

Năm là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại địa phương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, phong cách chuyên nghiệp hiện đại, có tinh thần đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu đẩy mạnh việc biệt phái và điều chuyển cán bộ ngoại giao có kinh nghiệm, phẩm chất, năng lực về công tác tại địa phương để tăng cường hơn nữa công tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, giúp xây dựng một đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới.