Hợp tác Việt Nam-Thái Lan vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung

Việt Nam và Thái Lan đang tích cực tiến hành các hoạt động thiết thực kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Dựa trên những thành quả đã đạt được trong những năm qua, hai bên tiếp tục triển khai các trọng tâm hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Các cơ chế hợp tác giữa hai nước được duy trì hiệu quả.
Các cơ chế hợp tác giữa hai nước được duy trì hiệu quả.

Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976. Với việc quan hệ Đối tác chiến lược được thiết lập năm 2013, hợp tác giữa hai nước được thúc đẩy trong mọi lĩnh vực. Năm 2015, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược tăng cường. Trên nền tảng đó, quan hệ Việt Nam-Thái Lan ngày càng được củng cố và phát triển thực chất.

Trong những năm qua, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, được thể hiện qua những thành tựu hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Là những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố.

Tiếp xúc cấp cao và các cấp, cũng như các cơ chế hợp tác song phương, như Ủy ban hỗn hợp thương mại, Đối thoại chính sách quốc phòng, Tham khảo chính trị…, được duy trì hiệu quả. Điều này góp phần củng cố tin cậy và đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên ở tất cả các cấp, các kênh. Quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước thời gian qua cũng được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì trao đổi nhiều đoàn cấp lãnh đạo, ủy ban và nghị sĩ, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Thái Lan. Lãnh đạo quốc hội hai nước cũng thường xuyên tiếp xúc bên lề các hội nghị nghị viện đa phương.

Là điểm sáng trong quan hệ hai nước, hợp tác kinh tế tiếp tục phát triển tích cực. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 21,6 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 9/2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 14,1 tỷ USD. Thái Lan đứng thứ 9 trong số các nước có đầu tư tại Việt Nam với 715 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 13,7 tỷ USD.

Thái Lan đầu tư vào Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ... Hai nền kinh tế còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác hơn nữa. Trên cơ sở đó, hai nước đang tích cực triển khai chiến lược “Ba kết nối”, bao gồm: kết nối chuỗi cung ứng; kết nối doanh nghiệp và các địa phương; kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững. Nỗ lực này sẽ góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD mà hai bên đã đề ra.

Bên cạnh các lĩnh vực nêu trên, hai bên cũng chú trọng hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục, giao lưu nhân dân… Hai bên thúc đẩy khuôn khổ thành phố kết nghĩa giữa các địa phương, cũng như hoạt động của các hội hữu nghị hai nước. Các lĩnh vực hợp tác này tăng cường kết nối và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa hai bên.

Việt Nam và Thái Lan đều coi nhau là đối tác quan trọng tại khu vực. Hai nước phối hợp lập trường chặt chẽ về các vấn đề cùng chia sẻ quan tâm và lợi ích trong khu vực và trên thế giới thông qua các tổ chức, diễn đàn mà hai nước cùng là thành viên, như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…, cũng như trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công. Tăng cường hợp tác trên cả bình diện song phương và đa phương, giúp hai nước cùng ứng phó hiệu quả thách thức, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực.

Việt Nam và Thái Lan đang tích cực thực hiện Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027. Triển khai những định hướng hợp tác quan trọng này góp phần củng cố nền tảng quan hệ và làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai nước vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.