Liên hoan phim Việt Nam tổ chức hai năm một lần, để tổng kết, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, các nghệ sĩ có thành quả nghệ thuật nổi bật, đồng thời cũng là cơ hội giao lưu, tiếp xúc, đối thoại, trao đổi nghề nghiệp của các nghệ sĩ, nhà làm phim, những người làm trong ngành điện ảnh nói chung.
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII diễn ra tại thành phố cao nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng), Điện ảnh Quân đội nhân dân tham gia với 12 tác phẩm, gồm 9 phim tài liệu và 3 phim khoa học, cũng là những thể loại có thế mạnh của Điện ảnh Quân đội.
Phim tài liệu dự Liên hoan phim Việt Nam XXIII:
“Trở về Khe Sanh”;
“Trời Hà Nội mãi xanh - Bầu trời của hòa bình”;
“Khát vọng thiên thanh”;
“Lửa từ Thành cổ”;
“Niềm tin”,
“Hóa giải”;
“Suối nguồn”;
“Thép trong lòng biển sâu”
“Thanh âm đại ngàn”.
Phim khoa học dự Liên hoan phim Việt Nam XXIII:
“Nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ chữa cháy”;
“Bốn tại chỗ trong phòng, chống bão lũ”
“Sinh tồn”.
Giải Bông sen Vàng được trao cho phim Khoa học “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy”, do đạo diễn: Hà Xuân Trường thực hiện, biên kịch Nguyễn Đức Thực, biên tập Nguyễn Huy Hùng, quay phim Nguyễn Ngọc Sơn…
Phim giới thiệu những sản phẩm chữa cháy do chính quân đội tạo ra. Các đám cháy xảy ra trong những năm gần đây gây hậu quả rất lớn về con người cũng như tài sản. Có những đám cháy đã gây ra ám ảnh tâm lý lâu dài cho nhiều người. Việc giới thiệu những phương tiện chữa cháy mới, hiện đại do Quân đội nhân dân Việt Nam chế tạo đến đông đảo nhân dân, để người dân biết và có những phương pháp áp dụng vào việc phòng cháy, chữa cháy trong sinh hoạt và sản xuất hằng ngày là thông điệp mà bộ phim “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” hướng đến.
Điểm nhấn của bộ phim là những cảnh quay nghiệm thu quả cầu chữa cháy. Các nguồn cháy tạo ra đúng như thực tế xảy ra để thấy rõ khả năng dập tắt tự động và chủ động của quả cầu chữa cháy khi đám cháy vừa mới hình thành. Những cảnh quay về ứng dụng của phương tiện bay không người lái chữa cháy và dàn phóng chữa cháy được thực hiện trong diễn tập khu vực phòng thủ chữa cháy rừng.
Giải Bông Sen Bạc cho ê kíp làm phim “Bầu trời của Hòa bình”. |
Giải Bông Sen Bạc được trao cho phim tài liệu “Bầu trời của Hòa bình” (Đạo diễn: Bùi Thanh Hải, biên kịch: Hà Đình Cẩn, biên tập: Nguyễn Thu Dung, quay phim: Hà Hải Long - Lê Duy Hồi…). Phim thể hiện những chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với các tù binh phi công Mỹ trong năm 1972-1973; thể hiện cảm xúc của các tù binh phi công Mỹ khi họ ở tại trại giam Hà Nội và sau khi được trở về với gia đình.
Về phía Việt Nam, nhiều phi công không may mắn được như vậy. Các anh đã dành cả thanh xuân, tuổi trẻ, sự sống để giữ hòa bình cho bầu trời Tổ quốc.
Nhiều năm sau khi chiến tranh lùi xa, các phi công Mỹ quay lại Việt Nam với mong muốn hóa giải những day dứt và ám ảnh chiến tranh. Họ được các phi công Việt Nam đón nhận với tình cảm chân thành và bao dung…
Trong phim, hình ảnh Hà Nội - thành phố vì hòa bình - tươi đẹp và rạng rỡ ngày hôm nay cũng được khắc họa. Phim ca ngợi khát vọng hòa bình và trái tim bao dung của người Việt Nam. Với cái nhìn của những người sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, bộ phim cũng cho thấy một Hà Nội - Việt Nam đầy quả cảm, bao dung, đã vượt lên những đổ nát, hy sinh, đau thương để xây dựng lại cuộc sống; đã cao thượng khi đối xử với những kẻ thù - tù nhân phi công; và sau đó sẵn sàng hóa giải hận thù, hướng tới tương lai. Thông qua bộ phim, những hình ảnh chân thực, sống động về sự kiện lịch sử chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được tái hiện.
Giải “Quay phim xuất sắc nhất”. |
Về giải thưởng cá nhân, giải “Quay phim xuất sắc nhất” được trao tặng cho nhóm tác giả Vũ Trọng Quảng - Nguyễn Bảo Khánh - Nguyễn Ngọc Sơn với phim khoa học “Sinh tồn”.
Bộ phim đã đề cập đến một giáo trình rất riêng, rất độc đáo của Quân đội. Đó là giáo trình dạy cho người lính cách duy trì sự sống khi bị lạc trên đảo nhiệt đới không người. Trong phim, những người lính đặc công đã thực hiện một cuộc diễn tập trên đảo nhiệt đới, thực hành đầy đủ các bước của giáo trình. Bằng những góc quay, chuyển động máy và những khuôn hình đậm đặc chất điện ảnh, “Sinh tồn” đem lại nhiều ấn tượng mới lạ cho khán giả thông qua những chuyển động đầy ấn tượng của máy quay.
Giải “Âm thanh xuất sắc nhất”. |
Giải “Âm thanh xuất sắc nhất” được trao cho các kỹ sư âm thanh Chu Đức Thắng và Đào Thị Hằng với phim tài liệu “Thép trong lòng biển sâu”. Bên cạnh những sáng tạo về thủ pháp làm phim, hiệu quả của hệ thống hậu kỳ, hòa âm hiện đại đã được phát huy tối đa. Điện ảnh Quân đội nhân dân là đơn vị làm phim có quy trình hòa âm hậu kỳ chặt chẽ, đội ngũ hậu kỳ có tay nghề cao, cùng hệ thống công nghệ âm thanh 5.1 và các trang bị hiện đại. Công nghệ hòa âm và thủ pháp hòa âm của kỹ sư âm thanh trong phim đã nâng cao chất lượng nghệ thuật của bộ phim.
Phim cho thấy những gian khổ mà người lính trải qua khi huấn luyện làm chủ tàu ngầm; những phẩm chất cao quý mà họ đã rèn luyện qua từng ngày: đoàn kết, trung thành, bí mật, kỷ luật.
Phim cũng đề cập đến thế giới tinh thần của người lính tàu ngầm, những suy tư về khát vọng làm chủ tàu ngầm, làm chủ đại dương, tiếp bước tiền nhân đưa ý chí bảo vệ Tổ quốc vào trong lòng biển. Đối với người lính tàu ngầm dạn dày bản lĩnh, lòng đại dương không còn đầy bí ẩn và hiểm nguy, mà đơn giản là một không gian của tự nhiên, mà họ có thể vén tấm màn bí ẩn của nó mà bước vào chẳng e ngại.
Các nghệ sĩ, nhà làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân dự Liên hoan phim Việt Nam. |
Với những tác phẩm đạt giải thưởng cao tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23, Điện ảnh Quân đội tiếp tục khẳng định vai trò là một đơn vị làm phim uy tín về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, góp phần đưa hình ảnh người lính đến với đông đảo khán giả và nhân dân. Các tác phẩm sau hai năm lao động nghệ thuật miệt mài, vượt qua mọi khó khăn thử thách của các nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân đã được khán giả, đồng nghiệp ghi nhận. Thành tích này cũng là động lực để những người nghệ sĩ, chiến sĩ bước tiếp trên chặng đường nghệ thuật sắp tới.