Chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc Khmer

Thời gian qua, các địa phương khu vực Tây Nam Bộ luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống giáo dục, đào tạo từ mầm non đến đại học với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp dạy tin học tại chùa Thlốt, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Lớp dạy tin học tại chùa Thlốt, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 1,2 triệu dân, trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 36%. Tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, phổ thông, chính sách hỗ trợ đào tạo dành cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2025, ngành triển khai tiểu dự án 1 thuộc dự án 5 về đổi mới hoạt động, củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí đầu tư 147 tỷ đồng. Đến nay, đã có 5 trong số 7 trường phổ thông dân tộc nội trú được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu dạy tốt, học tốt.

Ông Phòng Phước Thiện, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương cho biết, năm nay, thầy, trò và cha mẹ học sinh rất vui vì tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng trường học khang trang. Đây là điều kiện tốt để thầy, trò nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chuẩn bị đủ các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng thông tin thêm: Toàn tỉnh hiện có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú với 102 lớp học, 3.352 học sinh. Hằng năm, có khoảng 65% học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh được đánh giá, xếp loại học tập khá, giỏi, riêng các trường phổ thông dân tộc nội trú tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt hơn 80%. Nhiều năm liền, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ 99 - 100%.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 1,03 triệu dân, trong đó đồng bào Khmer chiếm 2,1%, tập trung tại hai huyện Tam Bình, Trà Ôn và thị xã Bình Minh. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Ngọc Bích, công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn có sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Tỉnh luôn thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số theo quy định; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là người Khmer có năng lực chuyên môn vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với nghề.

Thực hiện xã hội hóa giáo dục, năm học 2017-2018, nhà tài trợ đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng xây mới Trường tiểu học Thạch Thia ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình. Ngôi trường có diện tích 5.700m2 với hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cấp thoát nước, chiếu sáng, trang thiết bị bảo đảm yêu cầu dạy tốt, học tốt.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Thia Nguyễn Tấn Lực cho biết, trường hiện có 85,7% số học sinh là người Khmer theo học. Hằng năm, việc bảo đảm trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường đều đạt 100%, số lượng học sinh không ngừng tăng lên…

Năm học 2023-2024, Trà Vinh có 75 nghìn học sinh dân tộc thiểu số đi học, chiếm 35,3% so với tổng số học sinh của tỉnh. Hằng năm, hơn 70% số học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Trường đại học Trà Vinh được Chính phủ giao đào tạo đại học chính quy về ngôn ngữ, sư phạm tiếng Khmer, biểu diễn nhạc cụ truyền thống với hơn 2.500 sinh viên đang theo học.

Với dân số gần 1,1 triệu người, trong đó, đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ 31,5%, Trà Vinh đã có tám trường phổ thông dân tộc nội trú; một trường trung cấp Pali-Khmer, một trường cao đẳng y tế, một trường cao đẳng nghề và các trung tâm tin học, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các cơ sở dạy nghề. Năm học 2022-2023, có 121 trường dạy tiếng Khmer với hơn 28 nghìn học sinh theo học. Tỉnh duy trì việc dạy và học tiếng Khmer thử nghiệm tại Trường tiểu học Đa Lộc A và Trường tiểu học Lương Hòa C, huyện Châu Thành. Có 134 điểm chùa Khmer mở 753 lớp dạy bổ túc văn hóa tiếng Khmer, tin học với hơn 16 nghìn học viên tham gia. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Trà Vinh thu, phát sóng hơn 300 tiết dạy tiếng Khmer dành cho học sinh tiểu học.

Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập chín trung tâm giáo dục thường xuyên; 100% số xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Tỉnh cũng đã triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn với nguồn kinh phí gần 3,5 tỷ đồng.

Đại đức Thạch Đa Ra, Sư cả trụ trì chùa Thlốt, xã Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cho biết, kỳ nghỉ hè năm học 2022-2023, chùa đã mở được 11 lớp dạy bổ túc văn hóa Khmer và một lớp dạy tin học thu hút 218 tăng sinh, học sinh theo học, góp phần nâng cao trình độ dân trí, bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Khmer…